Phẫu thuật bướu thận mà không cần cắt bỏ thận có bướu

Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 16:50, 26/04/2021

Bệnh nhân bị bướu thận chỉ phải cắt bướu để bảo tồn thận, giữ lại tối đa nhu mô thận lành, không cần cắt bỏ toàn bộ thận có bướu như trước đây.

Ngày 26.4, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây đã thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật bướu thận mà không cần cắt bỏ thận có bướu. Đây là kỹ thuật cắt bướu bảo tồn thận, còn gọi là cắt thận bán phần trong điều trị bướu thận, giúp giữ lại tối đa nhu mô thận lành.

phau-thuat-buou-than-ma-khong-can-cat-bo-than-co-buou-hinh-anh(1).png
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bướu thận cho bệnh nhân N.N.M (49 tuổi, ngụ ở TP.HCM) - Ảnh: T.N

PGS-TS-BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết bệnh nhân được thực hiện thành công kỹ thuật này là chị N.N.M (49 tuổi, ngụ ở TP.HCM). Nữ bệnh nhân được phát hiện bị bướu thận trái có kích thước 34 x 31mm nằm choán chỗ sát dưới mặt trước rốn thận trái. Khối này có bờ đều rõ, không xâm lấn xung quanh, đậm độ mô bắt thuốc tương phản mạnh đồng nhất.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi sau phúc mạc cắt một phần thận chứa bướu. Thời gian phẫu thuật trong 90 phút, lượng máu mất chỉ 20ml.

“Sau mổ 4 ngày bệnh nhân được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ của bệnh nhân là carcinoma tuyến thận, không có tế bào bướu ở bờ biên nơi cắt. Theo dõi 6 tháng sau mổ, chưa ghi nhận tái phát bướu”, bác sĩ Hoàng cho hay.

TS-BS Phạm Phú Phát - Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân cho biết để thực hiện thành công ca phẫu thuật này, các bác sĩ ở đây đã phải thực hiện đến 4 bước:

-Lập kế hoạch tiếp cận bướu: Các bác sĩ chọn hướng tiếp cận xuyên phúc mạc hay ngoài phúc mạc; mổ mở, nội soi kinh điển hay phẫu thuật robot để tiếp cận khối bướu tốt nhất.

-Lập kế hoạch kiểm soát mạch máu thận: Thận là một tạng chứa máu, việc cầm máu trong phẫu thuật cắt thận là một trong những yếu tố then chốt và bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh. Phẫu thuật cắt bướu bảo tồn thận được áp dụng đối với các bướu thận có kích thước từ 1 - 7cm. Bên cạnh đó, các đặc tính bướu được bác sĩ phân tích bao gồm: kích thước, vị trí, vỏ bọc, mối tương quan với đài bể thận, độ nông sâu so với chủ mô, phân bố mạch máu thận, phân nhánh mạch máu nuôi bướu… để kiểm soát mạch máu thận tốt nhất.

-Kiểm soát chảy máu tối thiểu trong khi cắt bướu: Dựa trên các chẩn đoán hình ảnh hệ mạch máu đến bướu, các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp kiểm soát chảy máu tốt nhất như: kẹp động tĩnh mạch, kẹp động mạch chọn lọc, kẹp động mạch siêu chọn lọc hay phương pháp với thời gian thiếu máu nóng bằng 0.

-Lựa chọn kỹ thuật khâu khép chủ mô thận tối ưu nhất: Thời gian thiếu máu nóng khi phẫu thuật thận phải dưới 30 phút. Do đó, các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt phần thận có bướu và khâu khép chủ mô thận lành trong khoảng thời gian ngắn này. Các loại chỉ và khóa chỉ chuyên dụng được dùng phối hợp các phương tiện cầm máu sinh học như miếng cầm máu surgicel, bột cầm máu, gel cầm máu... để có thể khâu nhanh và cầm máu hiệu quả.

Theo bác sĩ Phát, cắt bướu bảo tồn thận trong điều trị bướu thận giúp giữ lại tối đa nhu mô thận lành cho người bệnh. Đây là một phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, các bác sĩ phẫu thuật vừa phải kiểm soát được tình trạng chảy máu vừa phải đảm bảo thận không được thiếu máu nóng quá lâu làm ảnh hưởng chức năng của thận. Bù lại, người bệnh được thụ hưởng chất lượng sống tốt hơn sau phẫu thuật, giảm nguy cơ suy thận so với cắt toàn bộ thận có bướu đồng thời đảm bảo an toàn về mặt ung thư học.

ThS-BS Trang Võ Anh Vinh - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bình Dân cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị hơn 500 bệnh nhân bị bướu thận.

Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân được bảo tồn chủ mô thận theo kỹ thuật mới sẽ chậm diễn tiến đến bệnh thận mạn nhiều hơn các bệnh nhân được cắt thận tận gốc 22 - 30% sau 5 năm.

Tuy nhiên để có thể áp dụng kỹ thuật cắt bướu thận bán phần cho người bệnh bướu thận, theo bác sĩ Vinh, điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần phải được phát hiện bệnh sớm. Các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: siêu âm, CT-Scan vùng bụng… giúp nhanh chóng phát hiện nhiều trường hợp bướu thận ở giai đoạn sớm, có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật lấy trọn bướu nhưng vẫn bảo tồn chức năng thận.

“Mỗi người trong cộng đồng phải có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Ngay khi có các triệu chứng như tiểu máu, rối loạn đường tiểu, đau vùng thắt lưng… người bệnh cần đi khám và điều trị ngay”, bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Hồ Quang