Thống tướng Min Aung Hlaing nói gì khi gặp đặc phái viên LHQ về Myanmar?
Quốc tế - Ngày đăng : 13:10, 26/04/2021
Trong cuộc trò chuyện với Christine Schraner Burgener, người đứng đầu quân đội Myanmar bảo vệ việc tiếp quản đất nước vào ngày 1.2, tuyên bố có gian lận lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020. Trong cuộc hội đàm, đặc phái viên Liên Hợp Quốc đã yêu cầu được phép thăm Myanmar, nhưng không có câu trả lời ngay lập tức về việc liệu quân đội có cho phép bà tiếp cận hay không, theo các nguồn tin ASEAN.
Bà Schraner Burgener, cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Thái Lan và Đức, từ chối bình luận về cuộc gặp.
Bà Schraner Burgener cũng đã gặp các Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia trong các cuộc họp riêng trước khi rời Indonesia đến Thái Lan. Nhiều khả năng bà sẽ ở lại Đông Nam Á vì các cuộc họp tiếp theo trong những ngày tới.
Khi đến Thủ đô Bangkok (Thái Lan) từ nhà của mình ở Thụy Sĩ vào ngày 9.4, bà Schraner Burgener đã tweet: "Tôi rất tiếc rằng quân đội Myanmar đã trả lời tôi ngày hôm qua rằng họ không sẵn sàng tiếp nhận tôi. Tôi sẵn sàng đối thoại. Bạo lực không bao giờ dẫn đến các giải pháp bền vững hòa bình".
Các nhà ngoại giao ASEAN bác bỏ cáo buộc rằng lời mời ông Min Aung Hlaing dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN giúp hợp pháp hóa chế độ quân sự, vốn chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 750 thường dân, bắt giữ ít nhất 4.470 người cùng việc giam giữ cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính phủ khác.
Truyền thông nhà nước Myanmar hôm 25.4 miêu tả việc ông Min Aung Hlaing tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN là thành công ngoại giao, cho thấy nước này đang duy trì "hợp tác chặt chẽ" với các nước thành viên khối "theo hiến chương ASEAN".
Ngoài ra, có thông tin cho rằng Brunei, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, xem xét đề cử Hassan Wirajuda (72 tuổi, Ngoại trưởng Indonesia từ năm 2001 đến 2009) làm đặc phái viên Chủ tịch ASEAN về Myanmar.
Các thành viên ASEAN khác đã được thông báo về đề xuất này nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có chấp nhận hay không. Các ứng cử viên Singapore và Thái Lan cũng được đề xử.
Theo kế hoạch đồng thuận gồm 5 điểm do các nhà lãnh đạo ASEAN đề xuất với sự đồng ý của Min Aung Hlaing hôm 24.4, đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho " tiến trình đối thoại hòa giải" kèm sự hỗ trợ từ Tổng thư ký ASEAN - Lim Jock Hoi. Lim Jock Hoi là cựu thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei.
Kế hoạch đồng thuận của ASEAN cũng kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực ở Myanmar và tất cả các bên thực hiện kiềm chế tối đa; đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân; cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA của ASEAN (cơ quan được thành lập để cứu trợ khẩn cấp trong các cuộc khủng hoảng trong khu vực); đặc phái viên và phái đoàn ASEAN đến thăm Myanmar "để gặp gỡ tất cả các bên liên quan".
Chính quyền quân sự Myanmar xem Chính phủ Thống nhất Quốc gia, được thành lập bởi các nhà lập pháp đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bị lật đổ, những người ủng hộ phong trào chống đảo chính và bà Suu Kyi, là tổ chức bất hợp pháp.
Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia năm 2009, Hassan Wirajuda đã chỉ trích Myanmar về cách đối xử với người Hồi giáo Rohingya khi hàng trăm người tị nạn Rohingya được cứu ở biển Andaman sau vụ Thái Lan tiễn họ trên những chiếc thuyền không động cơ trên biển khơi.
Từng là Bộ trưởng ngoại giao Indonesia trong nhiệm kỳ Tổng thống Megawati Sukarnoputri và Susilo Bambang Yudhoyono, Hassan Wirajuda ngồi trong hội đồng cố vấn Tổng thống Indonesia từ năm 2009 đến 2014. Ông là thành viên của Ủy ban toàn cầu về bầu cử, dân chủ và an ninh (2010 đến 2011), dưới sự chủ trì của cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan. Ngoài ra, Hassan Wirajuda còn là thành viên của Ban cố vấn không chính thức cấp cao của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 67.
Ông Kofi Annan đã lãnh đạo Ủy ban Cố vấn về bang Rakhine (được thành lập dưới sự quản lý của bà Aung San Suu Kyi với Quỹ Kofi Annan) điều tra các hành vi tàn bạo với người Hồi giáo Rohingya vào năm 2016 và 2017.
Trước khi trở thành ngoại trưởng, Hassan Wirajuda là người có công trong việc thành lập Ủy ban Nhân quyền Indonesia và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mặt trận Giải phóng Moro với Chính phủ Philippines. Hassan Wirajuda là động lực trong cuộc đối thoại dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Indonesia và Phong trào Aceh Tự do.
Hassan Wirajuda đồng sáng lập Trường Chính phủ và Chính sách Công Indonesia, trở thành tổng biên tập Tạp chí Lãnh đạo, Chính sách và Các vấn đề Thế giới của Indonesia. Được biết đến như một người ủng hộ mạnh mẽ nhân quyền và ủng hộ các sáng kiến liên quan, ông đã theo học các trường đại học ở Mỹ và Vương quốc Anh, bao gồm Đại học Harvard và Đại học Oxford.
Quốc gia đa số theo đạo Hồi đông dân nhất thế giới, Indonesia là nơi đặt trụ sở Ban Thư ký ASEAN cho hội nghị các nhà lãnh đạo khu vực để thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar.
Tổng thống Joko Widodo hôm 24.4 mô tả tình hình ở Myanmar là "không thể chấp nhận được" và nói rằng "bạo lực phải được chấm dứt và nền dân chủ, ổn định, hòa bình ở Myanmar phải được khôi phục". Những lời của ông đã được lặp lại bởi một số nhà lãnh đạo khác tại cuộc họp, bao gồm Malaysia, Singapore và Campuchia.