Đại dịch COVID-19 khiến 40.000 trẻ em Mỹ mồ côi

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:35, 21/04/2021

Các nhà nghiên cứu ước tính trên 40.000 trẻ em ở Mỹ đã mất cha hoặc mẹ vì COVID-19.
mo-coi-covid-1-.jpg
Tưởng niệm người chết vì COVID-19 tại bệnh viện Reading ở West Reading, Mỹ. Ảnh: Vox

Theo số liệu ước tính đăng trên tạp chí nhi khoa JAMA, cứ 13 người chết vì COVID-19 ở Mỹ thì có một người có con dưới 18 tuổi.

Đó là một phần của cuộc khủng hoảng lớn hơn, có thể để lại hậu quả lâu dài cho xã hội. Ở bất kỳ độ tuổi nào, chứng kiến người thân ra đi là điều khó khăn. Nhưng với trẻ em, điều này có thể đặc biệt gây bất ổn, thay đổi cuộc sống các em mãi mãi.

Theo tờ Vox, khi trẻ em mất cha hoặc mẹ, chúng không chỉ mất người mà chúng yêu thương mà còn mất đi chỗ dựa tài chính. Các em có nguy cơ phải bỏ học nhiều hơn, có nguy cơ mắc chứng lo lắng, trầm cảm; có nguy cơ sử dụng rượu hoặc các chất khác; có cảm giác như mất kiểm soát cuộc đời.

Các tác giả nghiên cứu nói trên viết: “Ngoài ra, mất mát do COVID-19 còn xảy ra trong thời điểm cách ly xã hội, căng thẳng, khó khăn kinh tế, có thể khiến trẻ em không được hỗ trợ”.

Các nhà nghiên cứu không biết chính xác số trẻ em ở Mỹ mất cha hoặc mẹ do COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thu thập dữ liệu về những người tử vong vì COVID-19, nhưng không thu thập dữ liệu về những người thân của họ.

Tuy nhiên, CDC đã ước tính rằng có sự khác biệt về chủng tộc trong số những trẻ mồ côi ở Mỹ. COVID-19 khiến người trẻ tuổi thuộc nhóm thiểu số tử vong nhiều hơn là người da trắng. Trong nghiên cứu trên tạp chí JAMA, các tác giả ước tính trẻ em da đen chiếm 14% tổng số trẻ em ở Mỹ, nhưng lại chiếm 20% trẻ em mất cha hoặc mẹ vì COVID-19. 

Ông Ashton Verdery, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Hậu quả có thể ảnh hưởng về lâu dài”. Ông cho biết có những em sẽ vào đại học nhưng lại không thể vì mất bố/mẹ do COVID-19.

Ảnh hưởng này lớn tới mức có thể bị coi là nguyên nhân gây bất bình đẳng sắc tộc trong y tế và giáo dục ở Mỹ. Khi tới tuổi 20, một người da đen có nguy cơ mất mẹ và bố nhiều hơn người da trắng. Đại dịch có thể làm xu hướng này thêm tệ hơn.

mo-coi-covid-2-.jpg
Một bé gái tại lễ tang của cha ở nhà tang lễ Maspons, Miami. Ảnh: Getty Images

Nhiều người cho rằng người tử vong phần lớn là người già và yếu, nhưng đó chỉ đúng trong trường hợp nói về đối tượng nào gặp nguy cơ tử vong vì COVID-19. Suy nghĩ đó khiến người ta không nghĩ rằng người trung niên và hơn lớn tuổi một chút cũng tử vong nhiều vì COVID-19 và họ có nhiều con dưới 18 tuổi trở thành mồ côi. Theo CDC, trên 104.000 người từ 30 tới 64 tuổi tử vong vì COVID-19 ở Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu, cần có hệ thống theo dõi những người đã mất bố mẹ do COVID-19. Ông Verdery và đồng tác giả nghiên cứu nói: “Để giúp những trẻ em này, ta cần biết các em là ai. Sau vụ 11.9, chính phủ liên bang đã nỗ lực hỗ trợ nhiều cho các gia đình mất người thân. Chúng ta chưa có một cơ quan nào có nhiệm vụ thu thập tên các trẻ em mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì COVID-19 rồi kết nối các em với các dịch vụ”.

Theo nhà tâm lý Kathryn Cullen tại Đại học Y khoa Minnesota, thời điểm hỗ trợ có thể rất quan trọng: “Trong hai năm đầu sau khi mất bố/mẹ là giai đoạn cực kỳ rủi ro mắc chứng trầm cảm”.

Hỗ trợ cho một trẻ em chịu nỗi đau mất bố/mẹ gồm hoạt động tư vấn cá nhân, học tập, cắm trại, chương trình nhóm.  

Hiện nay, xã hội Mỹ chưa hành động đủ để bảo vệ những trẻ em này về cả vật chất. Cha mẹ qua đời thường có nghĩa là con cái ở lại mất ổn định tài chính. Ước tính chưa tới 50% trẻ em mất bố/mẹ nhận trợ cấp an sinh xã hội dành cho người còn sống mà lẽ ra các em được hưởng. Ông Verdery nói: “Những trẻ em này đang đối mặt với quá nhiều điều. Chúng ta thì còn chưa kết nối các em với những khoản trợ cấp mà các em được hưởng”.

Theo các tác giả nghiên cứu, tất cả những điều trên là lý do nữa cho thấy cần phải chấm dứt đại dịch COVID-19 càng sớm càng tốt. Khi đó, có thể giúp nhiều người đang làm cha mẹ tránh khỏi cái chết vì COVID-19. 


TTXVN