EU trừng phạt 10 cá nhân và 2 công ty hùng mạnh nhất hỗ trợ quân đội Myanmar

Quốc tế - Ngày đăng : 21:35, 15/04/2021

Bên cạnh MEHL và MEC, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt với 10 cá nhân có liên quan đến cuộc đảo chính ngày 1.2 ở Myanmar, hai nhà ngoại giao cho biết.

Các biện pháp này có thể có hiệu lực vào tuần tới, sẽ nhắm vào hai công ty tạo ra doanh thu lớn nhất cho quân đội Myanmar là Myanma Economic Holdings Limited (MEHL) và Myanmar Economic Corporation (MEC).

Trong khi EU có lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar và trừng phạt 11 quan chức quân đội cấp cao vào tháng trước, quyết định nhắm vào hai công ty này là phản ứng quan trọng nhất cho đến nay của khối kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo

Một danh sách sẽ được thông qua. Nó đã được thỏa thuận với 10 cá nhân và hai tổ chức. Đã có một cuộc thảo luận về việc bổ sung các thực thể nào có liên kết với chính quyền”, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.

Một nhà ngoại giao châu Âu thứ hai đã xác nhận thỏa thuận giữa 27 đại sứ của EU.

Các nhà ngoại giao EU nói với Reuters vào tháng 3.2021 rằng MEHL và MEC sẽ bị nhắm mục tiêu, ngăn cấm các nhà đầu tư và ngân hàng EU kinh doanh với họ. Các nhóm nhân quyền cũng kêu gọi trừng phạt hai công ty này.

Thông tin chi tiết không có sẵn ngay lập tức.

Các biện pháp trừng phạt dự kiến ​​sẽ được áp đặt và tên những đối tượng bị nhắm mục tiêu sẽ được công khai vào tuần tới.

eu-trung-phat-10-ca-nhan-2-tap-doan-hung-manh-nhat-ho-tro-quan-doi-myanmar(1).jpg
EU sắp công bố lệnh trừng phạt 10 cá nhân và 2 công ty MEHL, MEC

Vòng biện pháp mới theo sau các động thái tương tự của Anh và Mỹ. EU đã trừng phạt Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang - Thượng tướng Min Aung Hlaing và 10 người khác hôm 22.3.

Các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về chiến lược của họ vào 19.4 trong một cuộc họp thường kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết vào tháng 4 rằng một vòng trừng phạt mới, bao gồm cả các công ty, sẽ đến.

Hai công ty này trải rộng khắp nền kinh tế Myanmar từ khai thác, sản xuất thực phẩm và đồ uống đến khách sạn, viễn thông, ngân hàng. Họ xếp hạng trong số những công ty đóng thuế nhiều nhất đất nước và tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài khi Myanmar mở cửa trong quá trình tự do hóa dân chủ.

Một phái bộ tìm hiểu thực tế của Liên Hợp Quốc vào năm 2019 đã khuyến nghị các biện pháp trừng phạt với MEHL, MEC và các công ty con, nói rằng họ đã cung cấp cho quân đội thêm nguồn thu để có thể thực hiện các vi phạm nhân quyền.

Giống như một số cường quốc phương Tây, EU đã lên án cuộc đảo chính ở Myanmar và kêu gọi khôi phục chế độ dân sự.

Cuộc đảo chính đã đẩy Myanmar vào khủng hoảng sau 10 năm dự kiến ​​tiến tới dân chủ. Ngoài các cuộc biểu tình hàng ngày, việc đình công của công nhân trong nhiều lĩnh vực đã khiến nền kinh tế Myanmar đi vào bế tắc.

Nhóm Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết lực lượng an ninh đã giết chết 715 người biểu tình kể từ khi chính phủ của bà Suu Kyi bị lật đổ.

Ngoại thương Myanmar lao dốc vì COVID-19 và đảo chính

Ngoại thương của Myanmar đã sụt giảm vì đại dịch COVID-19 và “những thay đổi chính trị”, tờ Global New Light of Myanmar đưa tin hôm 15.4, không đề cập đến tình trạng hỗn loạn bạo lực sau cuộc đảo chính.

Từ ngày 1.10 đến ngày 2.4, giá trị ngoại thương giảm xuống 15,78 tỉ USD từ 20,36 tỉ USD của cùng kỳ năm trước, theo tờ Global New Light of Myanmar do quân đội Myanmar điều hành.

Myanmar đã chứng kiến ​​sự sụt giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu do đại dịch COVID-19 gây ra. Cả ngoại thương đường biển và biên giới đều giảm trong bối cảnh tác động của coronavirus và những thay đổi chính trị”, Global New Light of Myanmar cho hay.

Quân đội đã lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cách đây 2 tháng rưỡi sau khi ủy ban bầu cử bác bỏ các khiếu nại về gian lận trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng.

Sự trở lại của chế độ quân sự đã gây ra các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày làm tê liệt nền kinh tế.

Global New Light of Myanmar dẫn số liệu của Bộ Thương mại Myanmar cho biết xuất khẩu ước tính đạt 7,8 tỉ USD trong giai đoạn từ tháng 10.2020 đến tháng 4.2021, giảm hơn 1,7 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước tính là 7,9 tỉ USD trong cùng kỳ, giảm 2,85 tỉ USD.

Myanmar chủ yếu xuất khẩu nông sản, sản phẩm động vật, khoáng sản, lâm sản và hàng công nghiệp thành phẩm. Các mặt hàng nhập khẩu chính của nước này là vật liệu sản xuất, nguyên liệu công nghiệp thô và hàng tiêu dùng.

Chính phủ đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại bằng cách sàng lọc các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu, tờ báo cho biết.

Thâm hụt thương mại của Myanmar là 1,3 tỉ USD trong năm tài chính 2019-2020, trích dẫn từ văn phòng thống kê trung ương.

Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu là 16 tỉ USD và nhập khẩu là 18 tỉ USD cho giai đoạn 2020-2021 theo Luật Quy hoạch Quốc gia.

Nhân Hoàng