Bộ trưởng Bộ Y tế: Cần triển khai quyết liệt khám chữa bệnh trực tuyến đồng bộ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:41, 09/04/2021

Sáng 9.4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cần đưa những giải pháp trực tuyến vào việc khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thực tế hiện nay việc đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng không phải là vấn đề mới. Một số đơn vị, địa phương đã có phát triển hệ thống này, tuy nhiên hệ thống này chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc nhiều yếu tố.

Đơn cử, hiện nay mỗi đơn vị (đã triển khai) lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế riêng rẽ. Vì thế, nền tảng không được sử dụng chung nên tỷ lệ cơ sở y tế triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến rất thấp.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – nơi nổi tiếng với hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa - nhưng tỷ lệ người dân đặt lịch cũng rất thấp. Bệnh nhân vẫn chọn giải pháp trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5 giờ sáng. Hơn nữa, tại các bệnh viện khi triển khai thực hiện lại không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác.

long-bo-y-te.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải mạnh và quyết liệt mới triệt để được"

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các đơn vị cung cấp các hệ thống công nghệ, sản xuất phần mềm làm giảm tải tỷ lệ khám chữa bệnh trực tiếp. Trong hội nghị chuyển đổi số y tế tháng diễn ra cuối năm 2020, Bộ Y tế đã đưa ra mục tiêu "tham vọng" là từ 1.7.2021 phải đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc.

Trong thực tế hiện nay, Bảo hiểm xã hội đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ Bảo hiểm y tế và mã số Bảo hiểm xã hội. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khoẻ điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khoẻ. Điều đáng nói, những thông tin trên hồ sơ sức khoẻ này đang dừng ở dạng "tĩnh" (tức là chưa khai thác, liên thông được).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã đặt ra yêu cầu với hệ thống phần mềm đang triển khai, người dân chỉ cần nhập số sổ Bảo hiểm xã hội vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số Bảo hiểm y tế đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào. Điều thứ 2 là hệ thống chỉ có 1 cổng cho toàn bộ người dân (hệ thống toàn tuyến), giải quyết tình trạng như hiện nay là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó.

long-bo-y-te-3(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp chuẩn bị triển khai dịch vụ đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sáng 9.4

Khi bệnh nhân đến viện, bác sĩ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện ra thì tất cả hồ sơ sức khoẻ bệnh nhân (đăng ký đó) đã có trong phần mềm này, bao gồm lịch sử khám chữa bệnh, thậm chí kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó). Qua phần mềm này, bác sĩ sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị.

"Triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ hạn chế được tình trạng 2 tháng khám 80 lần như báo chí vừa phản ánh" – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Mục tiêu lớn nhất của ngành y tế chính là lập hồ sơ sức khỏe của người dân là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định,… trong đơn thuốc.

"Quy định này có hơi mạnh nhưng với ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải mạnh và quyết liệt mới triệt để được. Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung thì việc áp dụng trí tuệ nhân (AI) và big data (dữ liệu lớn) sẽ trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi sổ trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy. Có thể ban đầu khi mới thực hiện, nhân viên y tế chưa thành thạo, nhưng theo thời gian, thực hiện nhiều, với các tiện ích thấy rõ, sẽ thuận lợi" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Dạ Thảo - Ảnh: Trần Minh