Malaysia bị chỉ trích vì đại sứ gặp quân đội Myanmar, 11 người biểu tình chết khi dùng súng và dao chống trả

Quốc tế - Ngày đăng : 18:21, 08/04/2021

Bộ Ngoại giao Malaysia bác bỏ những lời chỉ trích rằng động thái này công nhân tính hợp pháp của chính quyền quân sự Malaysia.

Chính phủ Malaysia đang bị phe đối lập và các nhà quan sát bên ngoài chỉ trích sau khi đại sứ tại Myanmar gặp một bộ trưởng của quân đội Myanmar ở Thủ đô Naypyitaw (Myanmar).

Đại sứ Zahairi Baharim đã được chụp ảnh trong cuộc họp với Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng Myanmar - Aung Than Oo hôm 7.4 tại Naypyitaw.

Video clip về cuộc gặp gỡ của Zahairi Baharim đã được phát sóng trên một kênh truyền hình nhà nước Myanmar. Những hình ảnh sau đó đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội hôm 8.4.

Nhà hoạt động Ro Nay San Lwin (Myanmar), người đồng sáng lập Liên minh Rohingya tự do, đã tweet những bức ảnh và hỏi liệu cuộc gặp có nghĩa là Malaysia công nhận chính quyền quân sự hay không?

malaysia-bi-chi-trich-vi-dac-phai-vien-gap-quan-doi-myanmar2.jpg
Zahairi Baharim - Đại sứ Malaysia tại Myanmar

Đây là trường hợp đầu tiên được biết đến về việc một đại sứ của thành viên ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) liên lạc chính thức với quân đội Myanmar kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2, dù Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi từng gặp người đồng cấp Myanmar tại Bangkok (Thái Lan) vào cuối tháng 2 để thúc đẩy đối thoại. Các tùy viên quân sự ba nước Đông Nam Á khác đã tham dự lễ duyệt binh của Myanmar vào ngày 27.3, nhưng dường như không dự các cuộc họp chính thức.

Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei đã cùng nhau thúc đẩy khôi phục hòa bình và ổn định ở Myanmar bằng cách sử dụng nền tảng ASEAN, kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp. Các cuộc gặp gần đây giữa Thủ tướng Malaysia - Muhyiddin Yassin và những người đồng cấp trong khối đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

The Hope Pact, liên minh đối lập ở Malaysia do Anwar Ibrahim lãnh đạo, cho biết cuộc gặp của đặc phái viên đã tạo ra sự nhầm lẫn về lập trường thực sự của Chính phủ Malaysia về vấn đề Myanmar.

"Cuộc gặp giữa đại sứ và quân đội - với quan điểm của Malaysia về tù nhân chính trị và cuộc họp khẩn cấp của ASEAN không thay đổi - tạo ra nhận thức rằng Malaysia đã thực sự tán thành chính phủ quân sự", The Hope Pact cho biết.

The Hope Pact nói rằng "cuộc gặp không giúp ích gì cho việc khôi phục nền dân chủ ở Myanmar" và yêu cầu Bộ Ngoại giao Malaysia giải thích.

Tối 8.4, Bộ Ngoại giao Malaysia đã trình bày khía cạnh của câu chuyện, đưa ra tuyên bố bảo vệ cuộc họp.

Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết đại sứ Zahairi Baharim chỉ gặp ông Aung Than Oo để thông báo cho Myanmar rằng công ty năng lượng nhà nước Malaysia - Petroliam Nasional sẽ tạm đình chỉ các hoạt động thượng nguồn tại dự án khí đốt Yetagun của họ.

"Cuộc họp không tạo ra sự công nhận Hội đồng Hành chính Nhà nước (tên gọi của chính quyền quân sự sau khi đảo chính - PV)", Bộ Ngoại giao Malaysia cho hay.

Bộ Ngoại giao nói thêm rằng Malaysia vẫn cam kết thực hiện các lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và trả tự do cho các tù nhân chính trị, cũng như đối thoại cho một quá trình chuyển đổi chính trị hòa bình.

11 người biểu tình Myanmar thiệt mạng khi chống trả quân đội

Những người biểu tình ở Myanmar sử dụng súng thủ công, dao và chai xăng chống lại cuộc đàn áp của lực lượng an ninh tại một thị trấn Taze nhưng ít nhất 11 người trong số họ đã thiệt mạng.

Ban đầu 6 xe tải của quân đội Myanmar đã được triển khai để dập tắt cuộc biểu tình ở thị trấn Taze, các hãng tin Myanmar Now và Irrawaddy cho biết. Khi những người biểu tình chống trả bằng súng thủ công, dao và chai xăng, thêm 5 xe tải của quân đội được điều đến.

Các cuộc giao tranh tiếp tục kéo dài đến sáng 8.4 và ít nhất 11 người biểu tình đã thiệt mạng, khoảng 20 người bị thương. Chưa có bất kỳ thông tin nào về thương vong trong số những người lính.

Theo số liệu của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), số dân thường bị lực lượng an ninh giết sẽ lên tới hơn 600 người kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1.2.

Taze gần thị trấn Kale, nơi ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ tương tự giữa quân đội và người biểu tình hôm 7.4.

Lực lượng an ninh đã bắn đạn thật, lựu đạn và súng máy vào những người biểu tình đang đòi khôi phục chính phủ của bà Suu Kyi, AAPP cho biết.

Taze, Kale có nhiều thợ săn trong rừng. Họ có súng cầm tay và bây giờ họ ra tay với vũ khí của mình để bảo vệ người dân địa phương, trong khi người dân đang bị chính quyền tấn công", Hein Min Hteik, cư dân trong vùng và là nhà hoạt động thanh niên, kể.

Một cựu bộ trưởng chính phủ thuộc CRPH, tổ chức các nhà lập pháp đại diện cho chính phủ dân sự bị lật đổ, cho biết: “Mọi người sẽ cố gắng bảo vệ cuộc sống của chính họ và quyền của họ. Mọi người sẽ không chờ đợi CRPH hành động. CRPH không thể ngăn chặn sự phản kháng vũ trang có thể xảy ra của người dân, từ người dân”.

quan-doi-bat-nguoi-mau-kiem-dien-vien-noi-tieng-o-myanmar-va-thai-lan.jpg
Paing Takhon bị quân đội Malasia bắt

Hôm 8.4, quân đội đã bắt giữ Paing Takhon, người mẫu kiêm diễn viên đã lên tiếng chống lại cuộc đảo chính. Trước đó, anh đã lên án sự tiếp quản chính quyền của quân đội và cam kết hỗ trợ cho bà Suu Kyi.  Thi Thi Lwin, em gái Paing Takhon, cho biết anh trai đang bị sốt rét và mắc bệnh tim, bị bắt khi ở nhà cha mẹ. Xem chi tiết tại đây.

Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, các nhà hoạt động đã đặt những đôi giày đầy hoa để tưởng nhớ những người biểu tình đã chết.

AAPP cho biết 2.847 người đang bị giam giữ.

Nhân Hoàng