Tự do báo chí ở trung tâm cờ bạc Ma Cao thế nào khi Trung Quốc tăng cường giám sát?
Quốc tế - Ngày đăng : 10:59, 08/04/2021
Hai người có mặt trong cuộc họp trình bày chi tiết các biện pháp với đài truyền hình lớn nhất Ma Cao và đánh dấu lần đầu tiên phương tiện truyền thông tiếng Bồ Đào Nha ở đây bị chính quyền nhắm mục tiêu trực tiếp.
Các nguồn tin cho biết sau cuộc họp, ít nhất 6 nhà báo đã từ chức.
Ma Cao - trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, nơi có 700.000 người, được coi là đặc khu hành chính dưới phong cách quản trị “một quốc gia, hai hệ thống” của Trung Quốc cùng Hồng Kông. Hệ thống này hứa hẹn các quyền tự do trên phạm vi rộng chưa từng thấy ở Trung Quốc đại lục, bao gồm tự do báo chí và cơ quan tư pháp độc lập.
“Chúng tôi biết mọi thứ có thể thay đổi vào một ngày nào đó, nhưng điều này khiến chúng tôi hoàn toàn ngạc nhiên”, một trong những nhà báo tham dự cuộc họp hôm 10.3 cho biết.
Các hướng dẫn TDM mới được đưa ra khoảng 2 tuần sau khi Hồng Kông thông báo đại tu đài truyền hình công cộng RTHK trong bối cảnh xuất hiện cáo buộc rằng họ có thành kiến với chính quyền
Các nhà báo cho biết áp lực đang gia tăng lên các phương tiện truyền thông tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Anh của Ma Cao, vốn thường hoạt động linh hoạt hơn so với báo chí địa phương Trung Quốc, vốn phải đối mặt với sự kiểm duyệt chặt chẽ trong hơn 1 thập kỷ.
Chẳng hạn, truyền thông tiếng Bồ Đào Nha tại Ma Cao đã đưa tin rộng rãi về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019, trong khi truyền thông Hoa ngữ ở đây phần lớn tránh xa.
Chính quyền Ma Cao cho biết tất cả tổ chức tin tức ở đặc khu hành chính này có quyền tự do đặt ra các nguyên tắc biên tập của riêng mình. Tổ chức này tiếp tục tôn trọng và duy trì nguyên tắc tự do báo chí như được quy định trong Luật Cơ bản của thành phố.
Giống như Ma Cao, chính quyền Hồng Kông cho biết các quyền và sự tự do vẫn còn nguyên vẹn.
Trong tuyên bố công khai vào tháng 3.2021, TDM cho biết chính sách biên tập của họ vẫn không thay đổi, sẽ tiếp tục “thực hiện trách nhiệm truyền thông xã hội và tuân thủ nguyên tắc của lòng yêu nước, tình yêu với Ma Cao”.
Hơn một nửa dân số Ma Cao nhập cư từ Trung Quốc những thập kỷ gần đây, điều này đã giúp thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với đại lục hơn so với Hồng Kông, nơi phần lớn cư dân sinh ra ở lãnh thổ này.
Trung Quốc thường khen ngợi Ma Cao trong khi đưa ra những cảnh báo rõ ràng với Hồng Kông rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ thách thức nào với chính quyền của mình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông đã thu hút các phương tiện truyền thông Ma Cao thông qua việc đưa tin dẫn đến chuyện bị Trung Quốc giám sát.
“Những người Ma Cao ở không được phép ủng hộ biểu tình tại Hồng Kồng. Có một sự nhạy cảm về Hồng Kông”, Eric Sautede, cựu giáo sư Đại học Ma Cao nói và cho biết rất nhiều nhà báo TDM từ mảng tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha đã đến Hồng Kông để đưa tin về các cuộc biểu tình. "Với họ, đó là cái gì đó lớn lao, làm sao họ có thể che đậy được? Nhìn lại, người ta có thể nghi ngờ rằng họ đã đi qua lằn ranh đỏ, họ đã thể hiện quá mức độc lập", Eric Sautede nói thêm.
Paulo Coutinho, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Macau Daily Times, tờ báo tiếng Anh ở Ma Cao, cho biết sự cố TDM là hậu quả của những gì đã diễn ra kể từ tháng 11.2019 khi Trung Quốc cảnh báo công khai rằng sẽ kiên quyết giữ vững chủ quyền, lợi ích an ninh và phát triển của mình.
Hiệp hội báo chí tiếng Anh và Bồ Đào Nha của Ma Cao bày tỏ quan ngại về các hướng dẫn mới của TDM, đặc biệt là nhân viên không được phép “chuyển tải thông tin hoặc ý kiến trái với chính sách của chính quyền trung ương CHND Trung Hoa”.
Các phóng viên không biên giới đã lên án các động thái của các đài truyền hình công cộng Hồng Kông và Ma Cao, đồng thời kêu gọi cả hai chính quyền “ngừng các cuộc tấn công chống lại tự do báo chí”.
"Con ngựa hoang duy nhất còn lại"
Connie Pang, nhà báo tự do ở Ma Cao và là cựu lãnh đạo Hiệp hội Nhà báo Ma Cao, cho biết những gì truyền thông tiếng Bồ Đào Nha ở đây đang trải qua bây giờ là những gì truyền thông địa phương Trung Quốc đã thấy trong 10 năm qua.
"Bây giờ có lẽ kênh tin tức TDM tiếng Bồ Đào Nha là con ngựa hoang duy nhất còn lại, vì vậy họ muốn áp đặt ranh giới đỏ cho nó", Connie Pang nói.
Các nhà báo tại nhiều hãng truyền thông Ma Cao nhỏ thận trọng hơn vì họ phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của chính quyền.
“Họ không muốn chúng ta chỉ trung lập, cân bằng. Họ muốn chúng tôi ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc”, một nhà báo cấp cao khác, người không muốn nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, cho hay.