Nga cố bảo vệ quân đội Myanmar khi Mỹ gia tăng biện pháp trừng phạt

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:00, 31/03/2021

Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken thúc giục các công ty toàn cầu nên xem xét cắt đứt quan hệ với các hoạt động kinh doanh rộng lớn của quân đội Myanmar.

Ông Blinken nói trong một cuộc họp báo: “Một số quốc gia và một số công ty ở nhiều nơi trên thế giới đã đầu tư đáng kể vào các doanh nghiệp hỗ trợ quân đội Myanmar. Họ nên xem xét những khoản đầu tư đó và xem xét lại chúng như một phương tiện từ chối hỗ trợ tài chính mà quân đội cần để duy trì, làm trái với ý muốn người dân".

Mỹ đã chuyển sang mở rộng các biện pháp trừng phạt với Myanmar ngoài những mục tiêu cụ thể nhắm vào các nhà lãnh đạo quân sự và sẽ xem xét loại bỏ nước này khỏi chương trình tiếp cận miễn thuế vào thị trường Mỹ với một số mặt hàng xuất khẩu nhất định.

Hôm 29.3, Mỹ đã đình chỉ tất cả hoạt động giao thương với Myanmar theo Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư song phương "cho đến khi có sự trở lại của một chính phủ được bầu cử dân chủ", Đại diện Thương mại Mỹ - Katherine Tai (luật sư gốc Hoa) cho biết.

Động thái này được đưa ra nhằm đối phó với bạo lực leo thang của lực lượng an ninh Myanmar với dân thường kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2, đồng thời phản ánh sự chú trọng cao độ vào dân chủ và nhân quyền dưới chính quyền Tổng thống Biden. Nó cũng đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cuộc tranh luận quốc tế, từ các biện pháp trừng phạt tập trung vào lợi ích quân sự, sang các biện pháp bao trùm nhằm vào nền kinh tế rộng lớn hơn.

Việc Mỹ và các nước phương Tây khác ngăn chặn chế độ quân sự ở Myanmar vào năm 1989 và một lần nữa vào đầu những năm 2000 đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của nước này, dẫn đến hàng chục nghìn người mất việc làm. Lần này, chính những người biểu tình đã kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ hơn để phủ nhận sự kiểm soát kinh tế của quân đội Myanmar.

Kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2, hơn 510 dân thường đã thiệt mạng và hơn 3.000 người bị giam giữ, theo tổ chức nhân quyền địa phương Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

nga-co-bao-ve-quan-doi-myanmar-khi-my-gia-tang-bien-phap-trung-phat.jpg
Người biểu tình sử dụng súng cao su trong khi núp sau chướng ngại vật trong cuộc biểu tình diễn ra ở thành phố Monywa, Myanmar vào ngày 29.3.

Tuyên thệ nhậm chức vào ngày 18.3, bà Katherine Tai nói rằng việc lực lượng an ninh Myanmar giết những người biểu tình ôn hòa, sinh viên, công nhân, lãnh đạo lao động, y tế và trẻ em đã "gây chấn động lương tâm của cộng đồng quốc tế".

Bà nhấn mạnh: “Những hành động này là cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ của đất nước và những nỗ lực của người dân Myanmar nhằm đạt được một tương lai hòa bình, thịnh vượng”.

Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) lưu ý rằng việc chấm dứt các mức thuế đặc biệt với hàng hóa Myanmar theo Hệ thống Ưu đãi Chung của Mỹ là lựa chọn cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo.

Khoảng 5.000 sản phẩm từ Myanmar đã được hưởng lợi từ mức thuế bằng 0 theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), chương trình của Mỹ đã hết hạn vào cuối năm 2020 và sắp được Quốc hội kích hoạt lại. Thế nhưng, Myanmar có thể bị loại do "vai trò của các công đoàn và người lao động trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về việc bảo vệ quyền người lao động", USTR cho biết.

Ít nhất 114 dân thường Myanmar đã thiệt mạng chỉ riêng vào 27.3, khi quân đội đánh dấu Ngày Lực lượng Vũ trang hàng năm bằng cuộc diễu hành rộng lớn với khí tài quân sự ở Thủ đô Naypyitaw và sự leo thang bạo lực chết người trên khắp các thị trấn, thành phố của đất nước. Lực lượng an ninh bị quay video bắn trực tiếp vào người biểu tình cũng như vào nhà và xe hơi.

Các phòng thương mại nước ngoài ở thành phố Yangon, Myanmar đại diện cho các doanh nghiệp Úc, Anh, Pháp và New Zealand hôm 30.3 đã cùng lên án và kêu gọi chấm dứt "việc giết hại, dùng bạo lực với người dân Myanmar", lặp lại các tuyên bố của các phòng Mỹ, châu Âu và Nhật Bản gần đây.

Bốn nhóm doanh nghiệp Úc, Anh, Pháp, New Zealand cho biết hoạt động kinh doanh là cực kỳ khó khăn và lưu ý rằng các hạn chế dịch vụ internet do chính phủ áp đặt đã làm suy yếu việc cung cấp dịch vụ.

Nếu không có một giải pháp nhanh chóng và hòa bình cho tình hình, các doanh nghiệp có trách nhiệm sẽ cực kỳ khó cân nhắc đầu tư thêm vào Myanmar", bốn nhóm doanh nghiệp nói, phản ánh sự bất bình gia tăng trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trước các vụ giết hại dân thường.

Việc Mỹ đình chỉ thương mại diễn ra sau các lệnh trừng phạt vào tuần trước với Myanmar Economic Holdings Public Co. Ltd. (MEHL) và Myanmar Economic Corp (MEC), hai tập đoàn thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp vào đầu tháng 2.2021 áp dụng các biện pháp trừng phạt ngay lập tức với Thống tướng Min Aung Hlaing và các thành viên quân đội cấp cao khác chỉ đạo cuộc đảo chính, hoạt động kinh doanh của họ và các thành viên gia đình, cũng như các quan chức khác có liên hệ với quân đội. Nhiều quan chức quân đội Myanmar, gia đình và cộng sự kinh doanh của họ sau đó bị Mỹ thêm vào danh sách đen.

Mỹ và Anh tuần trước đã chuyển sang trừng phạt MEHL, trong khi Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào MEC. Thông báo về các lệnh trừng phạt MEHL, Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab cho biết động thái này nhằm vào lợi ích tài chính của quân đội Myanmar "nhằm giúp rút cạn nguồn tài chính cho các chiến dịch trấn áp dân thường của họ",

Hai tập đoàn này có khoảng 150 công ty liên kết, theo một báo cáo năm 2019 do các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc công bố. Cả MEHL và MEC đều hoạt động trong các lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, khai thác mỏ và đá quý. Họ sở hữu nhiều công ty liên doanh và công ty con, bao gồm cả Nhà máy bia Myanmar với cổ đông lớn là Tập đoàn Kirin Holdings (Nhật Bản).

Bất chấp những bước đi như vậy, cuộc đàn áp của quân đội Myanmar đang leo thang. Một nhà đầu tư tập trung vào Myanmar có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) gọi các biện pháp trừng phạt và đình chỉ thương mại là "những bước đi nhỏ đúng hướng" trong việc phản đối cuộc đảo chính nhưng nói rằng chúng không đủ để thay đổi hành động của quân đội.

Ông nói: “Bộ máy quân sự hầu như không chịu áp lực từ các nước phương Tây”. Nhà đầu tư này nói với trang Nikkei rằng việc đình chỉ tư cách thành viên của Myanmar trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoặc đóng băng tài sản ở Singapore do các cá nhân và công ty liên quan đến quân đội nắm giữ có thể gửi tín hiệu mạnh hơn các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong chế độ quân sự trước đây của Myanmar, nhiều tập đoàn lớn đã bị trừng phạt vì có quan hệ mật thiết với quân đội. Cuối cùng, các khoản đầu tư mới, giao dịch tài chính và thương mại của các công ty Mỹ ở Myanmar đã bị cấm.

Romain Caillaud, người đứng đầu công ty tư vấn SIPA Partners có trụ sở tại Tokyo (Nhật), nhận xét: "Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tồi tệ và bạo lực leo thang ở Myanmar, cùng những phản ứng ngày càng cứng rắn thông qua các biện pháp trừng phạt của các chính phủ phương Tây, Myanmar có nguy cơ trở thành một thị trường không thể tồn tại được cho các doanh nghiệp có trách nhiệm".

Ngoài các lệnh trừng phạt có mục tiêu, đặc phái viên về quyền của Liên Hợp Quốc - Thomas Andrews đã thúc giục các chính phủ nước ngoài trừng phạt MOGE (Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar) do nhà nước điều hành.

Ủy ban đại diện Hạ viện Myanmar (CRPH), cơ quan được thành lập bởi các nhà lập pháp bị phế truất, cũng như những người biểu tình và các nhóm nhân quyền cũng đã yêu cầu các chuyên gia dầu mỏ ngừng làm việc với MOGE, chi trả tiền bản quyền bắt buộc hoặc các khoản phí khác vào một tài khoản ký quỹ hoặc được bảo vệ cho đến khi nền dân chủ được phục hồi ở Myanmar.

Họ cũng đã yêu cầu các tập đoàn năng lượng khổng lồ như Total, Chevron, Posco và PTT của Thái Lan không nộp thuế cho chính quyền quân sự Myanmar.

Động thái trên cũng dẫn đến những lời kêu gọi ngày càng tăng của những người biểu tình Myanmar nhằm tấn công nền kinh tế rộng lớn hơn như một phần của chiến dịch bất tuân dân sự, làm suy yếu tài chính quân đội, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tình trạng thất nghiệp sẽ lớn hơn và khiến đất nước không thể phục hồi.

nga-co-bao-ve-quan-doi-myanmar-khi-my-gia-tang-bien-phap-trung-phat22(1).jpg
Thứ trưởng Quốc phòng Nga - Alexander Fomin dự lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang Myanmar

Trong khi đó, Nga vẫn cố bảo vệ chính quyền quân sự Myanmar trước áp lực từ phương Tây.

Đưa ra tối hậu thư cho quân đội Myanmar, dù ý định của cộng đồng quốc tế có tốt đến đâu, cũng có nguy cơ làm bùng phát bạo lực ở nước này”, ông Dmitry Polyanskiy, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc, viết trên Twitter.

Đã cử Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin đến Myanmar để dự lễ kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang, Nga khẳng định tại Liên Hợp Quốc rằng cuộc khủng hoảng của quốc gia Đông Nam Á là vấn đề nội bộ cần được người dân Myanmar giải quyết.

Hôm 27.3, ông Alexander Fomin đã gặp lãnh đạo quân đội Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing, cho biết Myanmar là đồng minh và đối tác chiến lược đáng tin cậy của Nga, hãng thông tấn Tass đưa tin.

Mối quan hệ quốc phòng giữa Nga và Myanmar đã phát triển trong những năm gần đây với việc Moscow đào tạo hàng nghìn binh sĩ cũng như bán vũ khí cho quân đội nước Đông Nam Á.

Sự ủng hộ từ Nga với quân đội Myanmar cũng rất quan trọng vì nước này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cùng với Trung Quốc, Nga kiềm chế những lời chỉ trích quân đội Myanmar, có thể ngăn chặn các hành động tiềm tàng của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu trước cuộc diễu binh Ngày Lực lượng vũ trang, ông Min Aung Hlaing hoan nghênh sự hiện diện của các lực lượng Nga và nói rằng Nga là một "người bạn thực sự".

Nhân Hoàng