Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ phản đối tình hình ở Tân Cương, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc
Quốc tế - Ngày đăng : 11:12, 26/03/2021
Những người biểu tình đòi ngưng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, đóng cửa các trại giam ngay lập tức. Một số người thậm chí còn vẫy cờ màu xanh và trắng của phong trào giành độc lập Đông Turkestan (còn gọi là phong trào độc lập Tân Cương).
“Chúng tôi ở đây để hỏi về gia đình của chúng tôi. Tại sao chúng tôi không thể liên lạc với gia đình của mình? Họ đã chết hay còn sống? Họ ở đâu? Họ đang ở trại giam hay bên ngoài? ” - Imam Hasan Ozturk, một người biểu tình nói với Reuters.
Được biết Trung Quốc đã thông qua hiệp ước dẫn độ với chính quyền Ankara vào tháng 12 năm ngoái. Hiệp ước này hiện đang chờ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn. Trước tình hình này, các nhà hoạt động trong số khoảng 40.000 người Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường phản đối, tổ chức các cuộc biểu tình thường xuyên ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.
Cuộc biểu tình trên diễn ra giữa lúc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyên thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc hộp đàm với quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm 25.3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã nêu vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Reuters nhận định, lo lắng của người Duy Ngô Nhĩ càng được thúc đẩy bởi sự phụ thuộc của Ankara vào Trung Quốc về vắc xin COVID-19, họ đã nhận được 15 triệu liều từ Sinovac Biotech và đặt hàng thêm hàng chục triệu liều nữa. Tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được 1,4 triệu liều vắc xin BioNTech của Đức phát triển, lô vắc xin quan trọng đầu tiên không đến từ Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước cho biết những người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình gần cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây nhằm cố gắng lừa dối người Thổ Nhĩ Kỳ và làm tổn hại quan hệ.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 25.3 đăng lên Twitter một bức ảnh đen trắng về công nhân thu hoạch bông tại Mississippi (Mỹ) bên cạnh bức ảnh màu chụp công nhân thu hoạch bông ở Tân Cương.
Bà chú thích: “#Mississippi năm 1908 với #Xinjiang năm 2015. Một khẩu súng ngắn, vài con chó săn so với nụ cười lúc thu hoạch. Ép buộc lao động?”
Theo xác minh của trang Newsweek, bức ảnh đen trắng là hình chụp người lính canh tên Sam Williams (cầm súng) cùng gia đình và lao động thu hoạch bông. Như vậy ảnh không phải chủ đồn điền bóc lộc lao động như ý bà Oánh muốn truyền đạt.
Ngoài phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore thì đăng tải bản tin của CGTN - kênh tiếng nước ngoài trực thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) - dẫn phát biểu từ quan chức cùng nông dân Tân Cương rằng: “Ở đây chẳng hề có ép buộc lao động”.
Liên Hợp Quốc ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phủ nhận những cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam quy mô lớn tại Tân Cương chỉ là “các trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26.3 tuyên bố Bắc Kinh đã trừng phạt 4 thực thể và 9 cá nhân, trong đó có cả cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith và Ủy ban Nhân quyền đảng Bảo thủ, cáo buộc họ “lan truyền dối trá và bịa đặt thông tin một cách ác ý” về tình hình Tân Cương.
Cụ thể, những cá nhân gồm các nghị sĩ Tom Tugenhadt, Nus Ghani, Tim Loughton và David Alton, cùng một số luật sư, học giả. Ba thực thể bị trừng phạt là Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, Tòa án Duy Ngô Nhĩ, một tòa án độc lập ở Anh, và nhóm luật sư luật sư thương mại hàng đầu của Anh - Essex Court Chambers.
Theo lệnh trừng phạt, những người bị chỉ đích danh cũng như các thành viên gia đình họ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài ra, các công dân và tổ chức tại Trung Quốc cũng không được phép hợp tác làm việc với họ.
Trước đó, Bắc Kinh cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp, nhân viên ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU)… đồng thời cấm các doanh nghiệp EU có liên quan buôn bán với Trung Quốc. Đáp lại, nhiều nước EU, như Đức, Pháp, Ý đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối động thái bị coi là "gây căng thẳng không cần thiết".
Tình hình nhân quyền tại Tân Cương hiện là vấn đề gây căng thẳng giữa phương Tây với Trung Quốc. Mỹ, Anh, Canada cùng Liên minh châu Âu (EU) nhắc lại cáo buộc bằng một tuyên bố chung ngày 22.3, hàng loạt nhãn hàng như H&M, Nike, Adidas,… tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương sản xuất hàng may mặc.