Năm 2021: Việt Nam hưởng ứng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thế nào?

Sự kiện - Ngày đăng : 10:17, 25/03/2021

Giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại là nhiệm vụ hàng đầu của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Chia sẻ về những chính sách, chương trình hành động của Bộ Công Thương nhằm hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, theo các cam kết của Việt Nam về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng và tổ chức các chính sách về giảm khí thải nhà kính trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại.

164615316_1356290868089018_2895083913577326713_n(1).jpg
Sự kiện "Giờ trái đất" được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng việc thực hiện Mục tiêu quốc gia của Việt Nam về thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu - Ảnh: BCT cung cấp

Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện nay Bộ Công Thương đã tập trung vào các giải pháp chính liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả và tăng phát triển năng lượng tái tạo. Giờ Trái đất là một trong những chương trình được thực hiện để hướng tới mục tiêu này.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Hiện Bộ Công Thương đang thực hiện giai đoạn thứ ba của giai đoạn 2019 - 2030 với mục tiêu giảm từ 8-10 % tổng năng lượng cuối cùng cho cả giai đoạn vào năm 2030, tương đương với 60-80 triệu tấn dầu quy đổi. Tổng kinh phí của chương trình hiện nay là 4.400 tỉ đồng.

Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ đang tập trung vào việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu dài hạn. Theo đó, Việt Nam sẽ đạt mức tổng cung năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên đến 15-20 % vào năm 2030 và 25- 30 % vào năm 2045 theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng 2 quy hoạch rất quan trọng là Quy hoạch Phát triển lực quốc gia cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đến 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Tât cả các mục tiêu sẽ được cụ thể hóa trong hai quy hoạch này và Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, thực hiện Nghị quyết 23 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển chính sách năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Bộ Công Thương đang tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ đối với việc phát triển năng lượng ngành công nghiệp quốc gia với mục tiêu lớn của là chuyển đổi, thúc đẩy tái cơ cấu ngành công nghiệp từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và lao động, chuyển giao các ngành công nghiệp khoa học công nghệ cao hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Về lĩnh thương mại, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều chương trình và mục tiêu chính là thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bộ cũng tổ chức chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị điện.

Giờ Trái đất 2021 toàn cầu kêu gọi mọi người hưởng ứng thông điệp “Lên tiếng vì Thiên nhiên” (Speak up for Nature), tập trung vào hai chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”. Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và Thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tiêu thụ các chế phẩm nhựa dùng một lần, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thoả thuận Khí hậu Paris đã đặt ra.

"Đây là một chương trình rất quan trọng trong thời gian qua, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trên cả nước. Hi vọng rằng, những hành động tổng hợp các mục tiêu như vậy sẽ góp phần quan trọng việc thực hiện Mục tiêu quốc gia của Việt Nam về thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Theo đó, vào 20 giờ 30 phút ngày 27.3.2021, sự kiện Giờ Trái đất chính thức được diễn ra. Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường, quy tụ hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu, như khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và thiếu hụt các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên năng lượng, diễn ra với tốc độ chưa từng có.

Chia sẻ về Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: "Năm nay là năm thứ 13 Việt Nam thực hiện chiến dịch Giờ trái đất dựa trên sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Kể từ lần đầu tiên thực hiện chiến dịch giờ trái đất tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố tham gia thì đến nay, sau nhiều năm thực hiện, chương trình đã thu hút được 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Với chủ đề của chiến dịch Giờ trái đất năm nay là Lên tiếng vì thiên nhiên".

Ngày 3.11.2016, Thông báo Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc.

Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 21 của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12.2015, là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trách nhiệm cam kết này được phản ánh qua Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của mỗi Bên.

Thoả thuận Paris đã được gần 180 Bên tham gia Công ước khí hậu ký vào tháng 4.2016 tại Trụ sở của Liên hợp quốc. Hiện Thỏa thuận Paris đã được 95 quốc gia, bao gồm Việt Nam, phê chuẩn hoặc phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 4.11.2016.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã xây dựng và hiện đang triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược Tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng chiến lược cho Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu một cách căn cơ, bài bản trong nhiều thập kỷ tới, đồng thời là nội dung chủ đạo để xây dựng cam kết của Việt Nam trình lên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 10.2015.

Tuyết Nhung