Quân đội Myanmar đổ lỗi cho người biểu tình khi bị EU và Mỹ trừng phạt, nói ‘đau buồn' vì nhiều cái chết

Quốc tế - Ngày đăng : 15:00, 23/03/2021

Quân đội Myanmar cáo buộc những người biểu tình chống chính quyền, đốt phá và gây bạo lực khi các nước phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với các cá nhân và nhóm có liên quan đến cuộc đảo chính cùng cuộc đàn áp với những người bất đồng chính kiến.

Người phát ngôn của quân đội Myanmar - Zaw Min Tun cho biết 164 người biểu tình đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực và bày tỏ sự đau buồn trước những cái chết?!

Họ cũng là công dân của chúng tôi”, ông Zaw Min Tun nói trong cuộc họp báo ở Thủ đô Naypyitaw hôm 23.3.

Trong khi nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) nói ít nhất 261 người đã thiệt mạng trong các cuộc đàn áp khắc nghiệt của lực lượng an ninh.

Ba người đã chết ở thành phố Mandalay lớn thứ hai Myanmar trong tình trạng bất ổn hôm 22.3, gồm cả một cậu bé, các nhân chứng và bản tin cho biết.

Các lực lượng an ninh đã tổ chức nhiều cuộc đột kích hơn ở các khu vực thành phố Yangon lớn nhất Myanmar đêm 22.3 với các phát súng khiến một số người bị thương, dịch vụ tin tức Mizzima đưa tin.

Chính quyền quân sự Myanmar đã cố gắng biện minh cho việc đảo chính bằng cách nói rằng cuộc bầu cử ngày 8.11.2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận , cáo buộc mà ủy ban bầu cử bác bỏ. Các nhà lãnh đạo quân đội đã hứa hẹn tổ chức cuộc bầu cử mới nhưng chưa ấn định ngày và đã ban bố tình trạng khẩn cấp 1 năm.

Zaw Min Tun đổ lỗi cho những người biểu tình về bạo lực và đốt phá, đồng thời cho biết 9 thành viên của lực lượng an ninh đã thiệt mạng.

"Chúng ta có thể gọi những người biểu tình ôn hòa này không? Quốc gia hoặc tổ chức nào coi bạo lực này là hòa bình?", ông nói, trong khi phát một đoạn video về các nhà máy bị cháy.

Zaw Min Tun nói rằng các cuộc đình công và các bệnh viện không hoạt động hoàn toàn đã gây ra những cái chết, bao gồm cả trường hợp mắc COVID-19, gọi họ là "không đẹp đẽ và phi đạo đức".

Người phát ngôn quân đội Myanmar cũng cáo buộc phương tiện truyền thông là "tin tức giả mạo", kích động tình trạng bất ổn và tuyên bố các phóng viên có thể bị truy tố nếu tiếp xúc với CRPH (Ủy ban Đại diện cho Quốc hội Myanmar hay Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh) vì những tàn tích của chính phủ bà Suu Kyi để lại tại địa phương. Quân đội Myanmar tuyên bố CRPH là tổ chức bất hợp pháp.

CRPH chủ yếu gồm các thành viên của NLD được bầu vào Quốc hội trong chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.2020 và tự mô tả mình là "chính phủ lâm thời".

Zaw Min Tun đưa ra các chi tiết cụ thể hoặc cách NLD đã tạo ra hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn phiếu bầu bổ sung ở nhiều thị trấn bằng cách tạo ra các cử tri, bao gồm cả trong khu vực bầu cử của chính bà Suu Kyi. Cuộc họp cũng chiếu video về những người nói rằng họ đã được đại diện của NLD trả tiền.

Cũng được trình chiếu bằng video là lời khai của cựu Thủ hiến vùng Yangon - Phyo Min Thein nói rằng ông đã đến thăm Suu Kyi nhiều lần và đưa tiền cho bà “bất cứ khi nào cần”.

Suu Kyi đang bị quân đội Myanmar giam giữ. Luật sư của bà bác bỏ các cáo buộc.

quan-doi-myanmar-do-loi-cho-nguoi-bieu-tinh-khi-bi-eu-my-trung-phat.jpg
Người biểu tình được nhìn thấy đằng sau các chướng ngại vật trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở Mandalay, Myanmar ngày 22.3

Có nhiều cuộc biểu tình được tổ chức qua đêm 22.3 mà không có người tham gia nhằm tránh trở thành mục tiêu của các lực lượng an ninh đang cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình có tổ chức.

Tại thành phố Hsipaw ở bang Shan, tên của những người biểu tình đã chết được viết trên thẻ đặt bên cạnh những ngọn nến với tấm biển ghi “Chúng tôi không muốn quân đội”, DVB TV News đưa tin.

Trong một diễn biến khác, những quả bóng bay chứa đầy khí heli đã được thả vào hôm 22.3 mang thông điệp kêu gọi sự giúp đỡ từ quốc tế. Những người biểu tình trên đường phố đã được thay thế bằng ô tô đồ chơi hoặc búp bê, một số được dẫn đầu bởi những tấm bìa cứng hoặc những chiếc áo dài tay.

Hôm 22.3, Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các cá nhân liên quan đến cuộc đảo chính và đàn áp người biểu tình.

Các lệnh trừng phạt của EU là phản ứng quan trọng nhất của khối này kể từ khi chính phủ được bầu của bà Suu Kyi bị lật đổ vào ngày 1.2.

Trong 11 người mà EU nhắm mục tiêu có Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar và người đứng đầu quân đội đã nắm quyền.

EU đã có lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar và nhắm vào một số quan chức quân sự cấp cao kể từ năm 2018.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Heiko Maas nói với các phóng viên trước cuộc họp rằng cuộc đàn áp của quân đội "đã đến mức không thể chịu nổi".

Các nhà ngoại giao EU cho biết sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn nữa khi khối này có động thái nhắm vào các doanh nghiệp do quân đội điều hành.

Mỹ đã trừng phạt Min Aung Hlaing và các biện pháp được công bố hôm 22.3 đã mở rộng danh sách.

Hành động của Mỹ nhằm vào cảnh sát cấp cao Than Hlaing và sĩ quan quân đội Aung Soe, cũng như hai sư đoàn quân đội Myanmar là Sư đoàn bộ binh hạng nhẹ 33 và Bộ binh hạng nhẹ 77.

Ngoại trưởng Mỹ - Anthony Blinken cho biết các thành viên của Sư đoàn 33 đã bắn đạn thật vào đám đông ở Mandalay. Cả hai đơn vị đều là một phần của “các chiến lược có hệ thống được lên kế hoạch để tăng cường sử dụng vũ lực sát thương” của lực lượng an ninh, ông nói.

Không có phản ứng ngay lập tức từ chính quyền quân sự Myanmar, cho đến nay không có dấu hiệu bị lung lay trước sự lên án của quốc tế về các hành động của họ.

Nhân Hoàng