Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ năm 2016-2021 của Chủ tịch nước
Sự kiện - Ngày đăng : 19:30, 21/03/2021
Báo cáo nêu rõ nhiệm kỳ 2016 - 2021 có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước từ ngày 23.9.2018 đến 23.10.2018.
Ngày 23.10.2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.
"Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân", báo cáo nêu.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ và bầu giữ chức vụ Thủ tướng, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, đồng thời đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm 5 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Chủ tịch nước cũng phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm một số Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khi có thay đổi về nhân sự như Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng TT&TT, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng KH&CN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch nước đã ký Quyết định miễn nhiệm 24 thành viên Chính phủ, đình chỉ công tác với một thành viên Chính phủ.
Chủ tịch nước ký Lệnh công bố 72 Luật, 2 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó có 319 trường hợp từ Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc (1 trường hợp truy thăng); 71 từ Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc lên Trung tướng, Phó Đô đốc; 9 từ Trung tướng, Phó Đô đốc lên Thượng tướng, Đô đốc; 1 từ Thượng tướng lên Đại tướng.
Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng với 174 sĩ quan Công an nhân dân, Cụ thể, có 147 trường hợp từ Đại tá lên Thiếu tướng; 26 từ Thiếu tướng lên Trung tướng; 1 trường hợp từ Thượng tướng lên Đại tướng.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng ký tước danh hiệu Công an nhân dân với 4 sĩ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm với 2 sĩ quan cấp tướng.
Chủ tịch nước còn quyết định cử 45 sĩ quan Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi; cử hai lượt bệnh viện Dã chiến cấp 2 (126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Xu-đăng.
Chủ tịch nước đã phong hàm Đại sứ cho 55 cán bộ Bộ Ngoại giao, bổ nhiệm 112 Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại các nước trên thế giới…
Chủ tịch nước cũng khẳng định trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc...
Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước kiên quyết, kiên trì, quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả. Vì vậy tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua như việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm. Chủ tịch nước ký quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA "mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA". Do ảnh hưởng COVID-19, nhiều hoạt động trong chương trình đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước phải tạm hoãn hoặc chuyển sang thời điểm khác.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên là dù Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã làm việc với trách nhiệm cao nhất, nhưng "có mặt vẫn chưa đáp ứng được hết các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tế tình hình đất nước, cũng như kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước", báo cáo nêu.
Thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thực hiện tốt kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nghiên cứu trình Ban chấp hành Trung ương khóa 13 xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước tiếp tục tham gia chỉ đạo công tác đối ngoại, "đảm bảo trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi".
Trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước đi thăm 19 quốc gia; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế; chủ trì 11 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).