Lo ngại nông dân buôn bán với Trung Quốc theo hình thức 'đi chợ'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:01, 19/03/2021

Một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức “đi chợ”...

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương ngày 19.3, tỉnh Lào Cai đã báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, công tác quản lý của tỉnh đối với hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Theo đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020 đạt 3,2 tỉ USD, đạt 70,3% kế hoạch, giảm 15,2% so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu và hoạt động xuất nhập cảnh đều giảm so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,16 tỉ USD, đạt 68,2% kế hoạch, giảm 26,9%; nhập khẩu đạt 576,3 triệu USD, đạt 72% kế hoạch, giảm 18,6%.

0c17952a9d6b74352d7a(1).jpg
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua gặp nhiều rủi ro - Ảnh: Internet

Các loại hình khác (tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khác) đạt khoảng 1,5 tỉ USD, giảm 1,4% so với năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: phốt pho vàng, thanh long, xoài, vải tươi, dưa hấu, chuối, sắn các loại…; Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: phân bón, than cốc, năng lượng điện, rau củ quả các loại, máy móc thiết bị, hóa chất…

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp phải một số khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sụt giảm sau các biến động kinh tế và tác động của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới theo hướng chính quy, các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm....

Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức “đi chợ”, tức thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở hàng lên biên giới khi vào vụ, khiến năng lực thông quan nhất thời không đáp ứng, gây ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và gây áp lực cho công tác quản lý.

Mỗi năm cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, lưu lượng xe chở hàng xuất nhập khẩu khoảng 1.500 xe/ngày.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản, trái câu chiếm tỷ trọng lớn, nhưng nhiều năm qua hoạt động giao thương chủ yếu diễn ra bằng loại hình giao dịch tự do, mua bán trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác của Việt Nam và Trung Quốc (mua bán trao đổi hàng hóa cư dân biên giới theo loại hình tiểu ngạch), chỉ có ít doanh nghiệp, tư thương ký kết hợp đồng ngoại thương. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro, tiềm ẩn thiệt hại cho doanh nghiệp, tư thương trong quá trình xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới, đặc biệt là đối với người bán.

Nhiều doanh nghiệp, tư thương Việt Nam đã gặp rủi ro trong giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa như: rủi ro trong thanh toán, chậm giao nhận hàng, bị ép giá sản phẩm; bị trừ tiền, trả lại hàng do mẫu mã, chất lượng không bảo đảm, không đáp ứng đúng yêu cầu….

Mặc dù cơ quan quản lý đã khuyến cáo bằng nhiều hình thức về vấn đề này cho các cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp nhưng tình hình chưa cải thiện rõ rệt.

Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như: sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại... để đáp ứng hơn nữa nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.

Cùng với đó là đề nghị phía Trung Quốc sớm xem xét bổ sung thêm các tuyến vận tải đường sắt, tăng cường các chuyến tàu hàng chuyên dụng nhập khẩu nông sản của Việt Nam...

Đặc biệt là sử dụng hình thức thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời thay đổi tập quán kinh doanh theo hướng chủ động ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện đúng các yêu cầu hiện hành của hai nước về nhập khẩu nhằm hạn chế rủi ro trong thương mại.

Tuyết Nhung