Ưu tiên dùng sàn thương mại điện tử Việt quảng bá nông sản Việt

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:16, 19/03/2021

Cục Tin học hóa đề nghị các địa phương nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền để người dân đẩy mạnh tiếp thị những mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của Việt Nam.

Mới đây, Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng cho biết thị trường đầu ra cho nông sản Lâm Đồng trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường, của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, các mặt hàng nông sản Việt nói chung, Lâm Đồng nói riêng (nhất là hoa và rau) đang phải cạnh tranh gay gắt với nguồn nhập từ Trung Quốc và tồn đọng trong xuất khẩu.

Vì vậy, Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ TT-TT cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KH-CN, tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường quản lý nông sản, thực phẩm bằng mã QR, truy xuất nguồn gốc đầu vào, đầu ra.

uu-tien-dung-san-thuong-mai-dien-tu-viet-quang-ba-nong-san-viet.jpg
Đẩy mạnh tiếp thị nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử Việt - Ảnh: Internet

Theo Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), về việc tìm đầu ra cho nông sản (nhất là rau và hoa), các địa phương cần nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền để người dân đẩy mạnh tiếp thị những mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ưu tiên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của Việt Nam.

Sàn thương mại điện tử là các kênh bán hàng trực tuyến được nhiều chủ shop và các công ty, doanh nghiệp buôn bán ưa chuộng hiện nay. Đi theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng mua bán hàng online ngày càng phổ biến, các sàn thương mại điện tử ra đời như một giải pháp hữu ích và thiết thực, tạo môi trường kinh doanh, buôn bán trực tuyến tiện lợi cho cả người mua và người bán.

Trong những năm gần đây, Việt Nam có rất nhiều sàn thương mại điện tử ra đời và thu hút số đông người dùng sử dụng như một kênh hỗ trợ mua bán sản phẩm tiện lợi; trong đó có Tiki, Sendo, Voso…

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, tính năng “mua chung giá rẻ” đã được triển khai trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò để mở gian hàng, tổ chức thu gom và phân phối nông sản cho người dân Hải Dương lúc đang ế ẩm, khó tiêu thụ do dịch COVID-19 lây lan rộng trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, VNPost cũng thực hiện nhiệm vụ đưa sản phẩm lên sàn Postmart...

Về việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp và tăng cường quản lý nông sản thực phẩm bằng mã QR, truy xuất nguồn gốc đầu vào đầu ra, được biết Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang tích cực nghiên cứu phát triển nông nghiệp thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp theo hướng số hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, sẽ đi từ nông trại đến chế biến, tiếp thị và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối IoT, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học, công nghệ điều hành để bảo đảm cho quá trình sản xuất - kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả.

Vì vậy, Cục Tin học hóa đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn theo dõi và bám sát các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong tổ chức triển khai nội dung này. Đặc biệt, Bộ TT-TT sẵn sàng đồng hành cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tìm kiếm và triển khai hiệu quả các giải pháp nông nghiệp thông minh, phù hợp.

Ngoài ra, về việc ban hành các cơ chế, chính sách nhằm quản lý hoạt động kinh doanh, mua bán, giao dịch điện tử trên môi trường mạng, Bộ TT-TT đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, trong quá trình sửa đổi sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để có nội dung quy định, quản lý các hoạt động kinh doanh, mua bán, giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

Thu Anh