Nhiều ngân hàng Myanmar đóng cửa chống đảo chính, chủ doanh nghiệp mất ngủ vì không thể trả lương nhân viên
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:06, 19/03/2021
Những người biểu tình đã kêu gọi công chức và công nhân khu vực tư nhân tham gia phong trào bất tuân dân sự. Các chi nhánh ngân hàng đã đóng cửa kể từ giữa tháng 2.2021, khiến nhiều người phải xếp hàng dài tại các máy ATM chờ rút tiền.
Hầu hết các máy ATM đều để lại ít tiền mặt và danh sách những máy vẫn còn tiền mặt đang lan truyền trên mạng xã hội.
Sự hỗn loạn đang bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản tại Myanmar. Tại Đặc khu Kinh tế Thilawa, được quản lý bởi các công ty như Sumitomo Corp (công ty thương mại Nhật Bản), việc trả lương, mua nguyên liệu, linh kiện và dịch vụ đã bị gián đoạn. Nhiều nhà máy đã tạm ngừng hoạt động, viện lý do như bảo vệ người lao động cũng như vấn đề ngân hàng. Trung bình khoảng 54 công ty hoạt động trong Đặc khu Kinh tế Thilawa từ ngày 8 đến 12.3, chỉ bằng 65% so với trước cuộc đảo chính.
Một số công ty Nhật Bản cho biết không thể thanh toán hoặc nhận tiền từ khách hàng của mình. Một người từ công ty xây dựng Kajima (Nhật Bản) cho biết: "Chúng tôi không thể thanh toán cho các công ty địa phương có tài khoản tại các ngân hàng không hoạt động". Kajima đang phát triển khu phức hợp thương mại và dân cư ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Giám đốc chi nhánh địa phương của một hãng kinh doanh Nhật Bản cũng nói: "Các khoản thanh toán từ một số khách hàng không đến".
Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực kinh doanh dự kiến sẽ tiếp diễn khi các tổ chức tài chính tiếp tục bị tê liệt. Một người đàn ông điều hành cửa hàng điện tử tiêu dùng ở trung tâm Yangon nói: “Tôi không thể thanh toán cho nhà cung cấp vì các ngân hàng đóng cửa. Dù người bán buôn cho cửa hàng hiểu rõ tình hình, nhưng chủ cửa hàng lo lắng rằng vấn đề ngân hàng sẽ gây thiệt hại cho việc kinh doanh của mình nếu tiếp tục kéo dài”.
“Đầu tháng 3, tôi không ngủ được vì lo không biết có trả được lương cho nhân viên không. Tôi đã cố gắng thu thập tiền mặt để trả lương, nhưng tôi không biết liệu tôi có thể làm lại điều này vào tháng tới hay không", một quản lý của xưởng may Nhật Bản có hàng ngàn công nhân cho biết.
Quân đội đang gây áp lực buộc các ngân hàng phải mở lại hoạt động. Hội đồng Hành chính Nhà nước, cơ quan ra quyết định cao nhất của Myanmar do quân đội thành lập sau cuộc đảo chính, đã yêu cầu ngân hàng trung ương chuyển các tài khoản từ các ngân hàng thương mại từ chối tiếp tục hoạt động sang các ngân hàng nhà nước hoặc ngân hàng liên kết với quân đội, theo tài liệu rò rỉ ngày 9.3.
Một số ngân hàng đã hoạt động trở lại dưới áp lực của quân đội, song số lượng chi nhánh mở cực kỳ hạn chế.
Một nhân viên ngân hàng 25 tuổi tham gia phong trào bất tuân dân sự cho rằng việc tiếp tục hoạt động sẽ chỉ dẫn đến việc hàng loạt người đổ xô đến ngân hàng để rút tiền gửi. Ông nói: “Tôi muốn kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục ủng hộ phong trào bất tuân lệnh cho đến khi chúng tôi đạt được điều mình muốn”.
Các nhà điều hành ngân hàng bị kẹt giữa quân đội gây áp lực buộc họ phải mở cửa trở lại, với các công dân và nhân viên ủng hộ phong trào bất tuân dân sự.