Sau vụ bắn chết 6 phụ nữ gốc Á ở 3 tiệm mát xa, cô gái Việt lo sợ mẹ là nạn nhân tiếp theo
Quốc tế - Ngày đăng : 09:20, 18/03/2021
Trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm ngoái, Kyung Cho (Hàn Quốc) đã nhận thấy đôi khi nhiều người Mỹ nhìn ông một cách kỳ quặc hoặc hỏi ông có nói tiếng Anh không.
Những ngày này, Kyung Cho nói thái độ của họ với những người Mỹ gốc Á như ông đã trở nên thù địch hơn rất nhiều.
“Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Hôm trước, tôi đang ở trong một bãi đậu xe và một số đứa trẻ đã hét lên để tôi quay trở lại Trung Quốc. Tôi đến từ Hàn Quốc", người đàn ông 50 tuổi nói khi đi mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa châu Á ở ngoại ô Atlanta, bang Georgia, Mỹ hôm 17.3.
Trên khắp đất nước, nhiều người Mỹ gốc Á quay cuồng với tin tức về vụ xả súng tại 3 tiệm mát xa trong và xung quanh thành phố Atlanta chiều tối 16.3 khiến 8 người chết, trong đó có 6 phụ nữ châu Á. 4 trong số đó là người gốc Hàn Quốc.
Các nhà chức trách cho biết Robert Aaron Long, nam nghi phạm da trắng 21 tuổi, nói với họ rằng hắn bị nghiện tình dục và các vụ tấn công có thể không có động cơ chủng tộc.
Song sau 1 năm, trong đó các báo cáo về tội ác căm thù với người Mỹ gốc Á đã tăng vọt, vụ nổ súng đã làm dấy lên sự phẫn nộ, sợ hãi và yêu cầu chính phủ phản ứng.
Russell Jeung, Giáo sư Nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Bang San Francisco và là người sáng lập Stop AAPI Hate, tổ chức theo dõi bạo lực chống người châu Á trong đại dịch, cho biết: “Chúng tôi đang bị bao vây. Toàn bộ cộng đồng bị tổn thương".
Trong báo cáo được công bố vào 17.3 trước khi vụ nổ súng xảy ra, Stop AAPI Hate cho biết đã nhận được 3.795 báo cáo về các vụ thù hận trong khoảng thời gian từ tháng 3.2020 đến 2.2021. Phần lớn sự phân biệt đối xử là quấy rối bằng lời nói và xa lánh, trong đó phụ nữ báo cáo các vụ việc thường xuyên hơn nam giới khoảng hai lần.
Theo thông kế được công bố vào đầu tháng này bởi Trung tâm Nghiên cứu Hận thù và Chủ nghĩa cực đoan, trung tâm nghiên cứu phi đảng phái, tội ác căm thù được báo cáo chống lại người Mỹ gốc Á tại 16 thành phố lớn của Mỹ đã tăng 149% từ năm 2019 đến 2020, còn tội phạm thù hận tổng thể giảm 7% trong cùng khoảng thời gian.
Nhiều người nói rằng sự gia tăng phần lớn do người Mỹ gốc Á bị đổ lỗi vì coronavirus, được xác định lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019. Cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc” và "kung flu", lời hùng biện được một số người coi là làm dấy lên tình cảm chống lại người châu Á.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos với 4.430 người Mỹ, được thực hiện từ ngày 18 đến ngày 24.2, cho thấy 37% tin rằng COVID-19 được tạo ra trong một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, bao gồm cả 24% đảng viên Dân chủ và 54% đảng viên Cộng hòa. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng xác định nguồn gốc của coronavirus, nhưng không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy nó vô tình được thả ra từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Lily Huỳnh (24 tuổi) cho biết cô rất buồn trước cái chết của những người phụ nữ ở thành phố Atlanta, bang Georgia. Lily Huỳnh nói ngày càng lo lắng rằng mẹ cô (người nhập cư từ Việt Nam, chủ một tiệm nail ở thành phố Mesquite, bang Texas) có thể bị nhắm làm mục tiêu do giọng nói nặng và quốc tịch của bà.
“Bạn nghĩ về những người phụ nữ này và bạn nhận ra mẹ của chính bạn có thể là họ”, Lily Huỳnh nói.
Các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á hôm 17.3 đã kêu gọi các quan chức chính phủ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ, hỗ trợ cộng đồng của họ và hashtag #StopAsianHate đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Một ủy ban của Hạ viện Mỹ đã lên kế hoạch cho một cuộc điều trần vào 18.3 để giải quyết vấn đề.
“Người Mỹ gốc Á sợ rời khỏi nhà của họ không chỉ vì bệnh tật. Họ sợ phải rời khỏi nhà bởi có một rủi ro thực sự, chỉ cần đi bộ xuống phố để mua sắm, bạn sẽ bị đổ lỗi cho một đại dịch toàn cầu và mọi người sẽ đuổi theo bạn”, Frank Wu, Chủ tịch của Queens College thuộc Đại học New York, người nghiên cứu chống phân biệt đối xử gốc Á ở Mỹ, nói.
Gần một nửa số vụ căm thù chống lại người châu Á được ghi lại bởi Stop AAPI Hate xảy ra ở California, nơi người Mỹ gốc Á chiếm khoảng 15% dân số.
Ronald Lisam, người Mỹ gốc Hoa 45 tuổi mua sắm tạp hóa ở Khu Phố Tàu của San Francisco hôm 17.3, cho biết anh đã bắt đầu đặt câu hỏi về sự an toàn của mình nơi công cộng.
“Ngày nào tôi cũng lo lắng về việc bị tấn công, cướp giật, hành hung”, anh nói.
Máu đã đỗ bắt đầu vào khoảng 17 giờ chiều 16.3 khi 4 người thiệt mạng và 1 người khác bị thương tại tiệm mát xa Young’s Asian ở hạt Cherokee, thành phố Atlanta. 2 phụ nữ gốc Á nằm trong số 4 người chết ở đó cùng một phụ nữ da trắng và một người đàn ông da trắng. Nạn nhân bị thương nhưng sống sót là một người đàn ông gốc Tây Ban Nha.
Tại Atlanta, các nhân viên cảnh sát đã phản ứng lại lời kêu gọi “một vụ cướp đang diễn ra” ngay trước 18 giờ chiều. Cảnh sát trưởng Rodney Bryant đã đến tiệm làm đẹp Gold Spa và phát hiện 3 phụ nữ bị bắn chết.
Trong khi điều tra báo cáo ban đầu, các sĩ quan được gọi đến một spa riêng biệt bên kia đường, nơi 1 phụ nữ khác được tìm thấy đã chết vì vết thương do đạn bắn. Cả 4 phụ nữ bị giết ở Atlanta đều là người gốc Á.
4 người gốc Hàn Quốc nằm trong số 8 người thiệt mạng trong một loạt vụ xả súng ở thành phố Atlanta, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm 17.3. Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Atlanta đã cử các nhân viên đến kiểm tra xem còn thương vong nào liên quan đến Hàn Quốc trong vụ xả súng hay không.
Robert Aaron Long được phát hiện ở miền nam Georgia, cách xa hiện trường vụ án, sau khi cảnh sát hạt Cherokee đưa ra thông báo. Các quan chức thực thi pháp luật cho biết hắn đã bị bắt sau cuộc truy đuổi trên đường cao tốc mà không xảy ra sự cố nào.
Robert Aaron Long bị buộc tội hôm 17.3 với 8 tội danh giết người và 1 tội danh hành hung trầm trọng, đang bị giam ở hạt Cherokee.
Dự kiến Robert Aaron Long sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại tòa án vào ngày 18.3 nhưng việc này đã bị hủy bỏ mà không có lời giải thích.