'Giấc mơ' của Nguyễn Hoài Hương: Khoái cảm cho con mắt

Văn hóa - Ngày đăng : 19:30, 16/03/2021

Triển lãm "Giấc mơ" của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương không chỉ bề thế về quy mô, đa dạng về vật liệu và chất liệu mà còn mang đến dấu ấn mới, đó là tranh sơn mài.

Định hình và định danh từ các triển lãm nhóm từ cuối thập niên 1980, đến nay bộ tứ nổi bật của nhóm họa sĩ TP.HCM thời kỳ đổi mới (1986), gồm Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường, vẫn miệt mài trên con đường sáng tạo mỹ thuật của riêng mình, thỉnh thoảng tham gia chung một triển lãm.

Có thể nói “mỗi người một vẻ”, ai cũng muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, lấy sự thăng hoa của bạn làm chất xúc tác và sự thăng hoa cho bản thân. Họ âm thầm “cạnh tranh”, tôn nhau lên, nên vẫn giữ được hòa khí tao nhã và sự thân thiết đến tận bây giờ.

hoai-huong-2.jpg
Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương. - Ảnh: Sang Nguyễn

Trong bốn người, Nguyễn Thanh Bình sớm chọn việc vẽ toàn thời gian, còn Nguyễn Trung Tín vừa đi dạy vừa vẽ, Đỗ Hoàng Tường vừa làm báo vừa vẽ đến khi “hưu non”, còn Nguyễn Hoài Hương vừa làm thiết kế vừa vẽ. Ở họ có một điểm chung là dù bận rộn đến mấy thì ai cũng chuyên tâm và thăng hoa trong việc vẽ của mình.

hat-chau-van.jpg
Tác phẩm Dạ liên (sơn mài, 120cm x 224cm, 2019) của Nguyễn Hoài Hương

Triển lãm cá nhân Giấc mơ với Nguyễn Hoài Hương không chỉ bề thế về quy mô, đa dạng về vật liệu, chất liệu, mà còn mang đến một dấu ấn mới, đó là tranh sơn mài. Trong các vật liệu dùng để sáng tác, sơn mài mới đến với Nguyễn Hoài Hương gần 4 năm nay, nhưng có lẽ là vật liệu "hợp cạ" hơn cả.

nguyen-hoai-huong.jpg
Tác phẩm Giấc mơ trưa 2 (sơn mài, 120cm x 224cm, 2019) của Nguyễn Hoài Hương

"Hợp cạ" là vì cá tính và công việc lâu nay của Hoài Hương gần gũi với sự tỉ mỉ, nặng tính thiết kế, trang trí. Sơn mài dung chứa những điều này một cách tự nhiên, nên phát huy được nhiều sở trường và cảm hứng của Hoài Hương. Hơn nữa, sơn mài cũng giống như cuộc đời, luôn ẩn tàng những bí mật và bất ngờ, chỉ sau khi mài thì mới lộ diện ra. Sự lộ diện này thường nằm ngoài các tiên liệu hoặc dự phóng của tác giả, vì vậy tính sáng tạo, chất nghệ nhiều hơn tính thợ, chất nghề.

da-lien.jpg
Tác phẩm Dạ liên (sơn mài, 120cm x 224cm, 2019) của Nguyễn Hoài Hương

Kế đến, vì sự chăm chỉ, có phương pháp làm việc cuốn chiếu - dây chuyền và quản trị công việc rất khoa học, nên Hoài Hương đến với sơn mài tương đối nhẹ nhàng, hiệu quả. Cũng vì có phương pháp nghiên cứu và sáng tạo, làm việc hữu hiệu, lại đang trong nguồn cảm hứng trôi chảy, nếu mọi điều diễn ra được như ý, chừng 3-5 năm nữa thôi, Hoài Hương sẽ có thêm rất nhiều bộ tranh sơn mài bề thế.

Xem những bức sơn mài khổ lớn mới thấy hết công phu, sự kết hợp tài tình giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Vài bức sử dụng cả ngàn vỏ trứng, chỉ lấy chỏm trứng để cẩn ngược và mài.

Không gian làm việc và nghệ thuật của Hoài Hương khá bề thế, với bài trí khoa học, sắp đặt rất tạo cảm hứng thị giác. Có thể nói chính các không gian này đã góp một phần đáng kể trong việc hình thành nên tác phẩm. Đặc biệt với sơn mài, vốn nặng nhọc và mất thời gian thì không gian làm việc cùng phương pháp làm việc hữu hiệu giúp ích rất nhiều.

xuong-sang-tac-1.jpg
Xưởng sáng tác của Nguyễn Hoài Hương. - Ảnh: Sang Nguyễn

Cuối cùng, với kinh nghiệm mấy chục năm làm trong nghề thiết kế và kiến trúc, lắng nghe biết bao nhiêu ý tưởng, yêu cầu của khách hàng - mà không phải lúc nào cũng đúng hoặc đẹp - Hoài Hương đã đạt đến độ thông hiểu, bao dung cần thiết. Bản thân anh lại khá chỉn chu, thích cái nhìn gián tiếp, u mặc kiểu Đông phương, nên khi đi vào sự u uẩn và thẳm sâu của sơn mài, đã hình thành sự liên thông tự nhiên, làm toát lên được đặc trưng và sự quyến rũ thị giác của vật liệu này.

nguyen-hoai-huong1.jpg
Tác phẩm Mùa xuân 2 (sơn mài, 120cm x 300cm, 2019) của Nguyễn Hoài Hương

Triển lãm Giấc mơ không đơn thuần là cuộc bày biện các tác phẩm gần nhau, mà là một tổng thể thiết kế mang tính nội thất. Với khoảng 40 năm trong nghề thiết kế và thi công nội ngoại thất, cùng kiến trúc, Nguyễn Hoài Hương có tư duy tổng thể và tổng hòa, nên khi bày biện một tác phẩm, cũng là kết quả sau cùng của tư duy ấy. Anh hình dung không gian sẵn có của bảo tàng như một căn nhà trống, để từ đó đưa tác phẩm, ánh sáng, thảm sàn, chấn phong, màu sắc… vào theo một thiết kế sắp đặt, nhằm mang lại cảm giác đời sống thường nhật, gần gũi và mang các công năng nhất định.

Nghĩa là ở nơi ấy, người xem như đi giữa không gian sống của một gia đình, chứ không phải bàng quan, có khoảng cách như thường thấy ở các triển lãm kiểu phòng trưng bày. Điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng thật ra rất khó, nếu không có đủ kinh nghiệm và vật dụng thiết kế, khó mà làm chỉn chu cho được. Thế nên không gian, sự bài trí của triển lãm Giấc mơ sẽ là một điểm nhấn khác biệt, chỉ có xem trực tiếp mới cảm nhận hết được, mọi sự mô tả gián tiếp sẽ khó thể hiện.

nguyen-hoai-huong12.jpg
Tác phẩm Trừu tượng 3 (sơn mài, 120cm x 210cm, 2020) của Nguyễn Hoài Hương

Một điểm đáng lưu ý nữa, có lẽ cũng là quan trọng nhất, Giấc mơ vừa kế thừa những gì mà Nguyễn Hoài Hương đã theo đuổi suốt mấy chục năm qua, vừa là bước chuyển mới. Ở đây cũng là các hình ảnh Bắc bộ, không khí Huế và không gian kiến trúc Việt quen thuộc, nhưng đã được tinh lược thành các biểu tượng và biểu hiệu. Đôi khi chỉ là một bông hoa, một cây bằng lăng, hoặc chỉ vài mảng màu, gam màu đã đủ diễn đạt một vùng quê, một nếp nhà, một cảm nghĩ. Đặc biệt, đến với sơn mài trừu tượng, Nguyễn Hoài Hương càng phát huy được cái nhìn gián tiếp và tinh thần u mặc mà bản thân đã thủ đắc, chiêm nghiệm từ lâu.

giac-mo-thu-moi.jpg

Có lẽ sơn mài trừu tượng, với các bảng màu đặc trưng của Bắc bộ và Huế sẽ còn làm nên cuộc bùng phát cảm hứng và sáng tạo cho Nguyễn Hoài Hương ở tương lai gần, bởi điều này đã được thể hiện rõ qua các tác phẩm trưng bày tại Giấc mơ.

Triển lãm Giấc mơ của Nguyễn Hoài Hương sẽ khai mạc vào lúc 18 giờ ngày 20.3, kéo dài đến hết 28.3.2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).

Cái khoái cảm của con mắt

Thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước, hội họa Việt Nam đã có một bước chuyển quan trọng bởi sự xuất hiện một thế hệ họa sĩ mới, Hà Nội với nhóm năm người (Gang of five) và TP.HCM với nhóm bốn người, trong đó có Hoài Hương. Họ là những nhân vật tiêu biểu, những nhà cách tân thật sự của thời mở cửa.

Không giống với ba người còn lại (Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín), Nguyễn Hoài Hương khởi đầu bằng sự kết hợp giữa hội họa với công việc thiết kế cảnh quan nội - ngoại thất, trực tiếp thiết kế kiến trúc và thiết kế đồ nội thất theo phong cách Á Đông. Vừa vẽ tranh, vừa thiết kế, sau 40 năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hội họa và thiết kế đã hòa trộn với nhau để trở thành một Hoài Hương của hôm nay.

Tranh sơn mài của Hoài Hương lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái lộng lẫy vàng son cổ điển, mà nó tươi mới với một bảng màu không thường thấy trong sơn mài truyền thống: Màu tím Huế, màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu nâu đất nhạt và màu vàng chanh, tất cả có độ trong mà không quá bóng bẩy. Còn về hình thì hình thiếu nữ khỏa thân, hoa sen, lá sen, lá chuối… là những motif mang nặng tính trang trí, nhưng rất riêng biệt của Hoài Hương. Chúng được sắp đặt trong một không gian phi thực, nhưng không có ý vị siêu thực. Một số bức sơn mài trừu tượng là tiếp tục cuộc chơi về màu sắc về chất thể để thỏa mãn khoái cảm thị giác vì mạnh mẽ và duyên dáng.

Tranh sơn dầu của anh vẫn là cái đẹp thuần túy thị giác của người có tâm hồn lãng mạn, nhẹ nhàng, có một chút hoài cổ, thích đắm chìm trong những buổi chiều tím vắng lặng còn rơi rớt chút nắng vàng trên những ngôi làng cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, một phong cách hội họa nằm giữa lãng mạn và ấn tượng theo kiểu Việt Nam.

Một họa sĩ được đào tạo bài bản nhưng không quá quan tâm đến hội họa cổ điển và các trường phái hội họa hiện đại, không muốn làm cái gì cho khác người, không cao đạo, không lớn tiếng, trung thành với những gì mình thích, đứng ngoài sự khen chê, im lặng làm việc. Hoài Hương đã có một gia sản đáng nể về hội họa và thiết kế mang chữ ký của riêng mình. Chữ ký của một họa sĩ Việt Nam hiện đại biết tiếp nhận vẻ đẹp của mỹ thuật truyền thống để tạo ra vẻ đẹp riêng, không quá lạ lẫm với đại chúng.

Hội họa của Hoài Hương là hội họa của con mắt, cái khoái cảm của con mắt, giống như một bản nhạc không lời, nghe không phải để hiểu mà nghe để thư giãn, để tìm sự bình yên.

 Dương Thụ

Tiểu Vũ