Báo Thái Lan lý giải 4 yếu tố tạo Kỳ tích kinh tế Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:41, 13/03/2021
Tại sao "nền kinh tế Việt Nam" đã vượt qua khúc quanh? Trong khoảng thời gian 30 năm, đất nước có thể chuyển đổi mạnh mẽ từ một nước nghèo thành một nước tràn trề sinh lực. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 10 lần. Bốn yếu tố đằng sau thành công của Việt Nam là gì?
Tác giả đã đến Việt Nam vài lần trong hơn 30 năm qua và đã quan sát khá lâu. Tác giả muốn đem những gì nghiên cứu được cùng với ý kiến cá nhân để nói về nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Việt Nam thống nhất thành công vào năm 1976, sau 20 năm chiến đấu với Mỹ và 50 năm với thực dân Pháp (ND: thực ra là phải gần một thế kỷ) nên trong 70 năm, Việt Nam không có hòa bình. Hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh cho nền độc lập của họ. Mãi sau hơn 10 năm hưởng hòa bình, cho đến năm 1986, mới có một sự thay đổi lớn. Chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là "Đổi mới".
Chính sách này nhằm để đại tu đất nước. Bằng cách cải cách nền kinh tế và xã hội theo một hệ thống gọi là Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã gặt hái thành công. Trong hệ thống này, mọi người có tự do kinh tế (dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất).
Chính phủ theo đuổi chính sách này một cách kiên trì và liên tục, trong vòng 30 năm. Điều đó đã biến (Việt Nam) từ một nước nghèo trên thế giới trở thành một ngôi sao đang lên với thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10 lần trong giai đoạn từ 1985 đến 2017 (người nghèo từ chỗ chiếm 72% dân số, giờ chỉ là 6%), trở thành nước có thu nhập trung bình. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người (đã điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt) đã vượt qua Philippines Và thu nhập bình quân đầu người (dù tính kiểu đã điều chỉnh hay không điều chỉnh theo chi phí sinh hoạt) đã vươn lên bằng khoảng một nửa Thái Lan.
Có it nhất bốn yếu tố đã góp phần vào thành công của Việt Nam: (1) mở cửa hoàn toàn cho thương mại tự do với nước ngoài (2) cải cách trong nước đi đôi với tự do thương mại bằng cách sửa đổi các quy định. (3) đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng (4) giá nhân công thấp và đặc thù của Việt Nam. Hãy phân tích từng yếu tố:
Yếu tố đầu tiên đưa Việt Nam trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam trở thành thành viên của rất nhiều Hiệp định thương mại tự do: Năm 1995, gia nhập hiệp định thương mại tự do ASEAN. Năm 2000, ký kết thương mại tự do với Mỹ. Năm 2007 thành viên WTO. Năm 2018, thành viên CPTPP (trước đây là TPP, có 12 thành viên nhưng Mỹ rút lại thống nhất, đổi tên thành CPTPP, có hiệu lực từ năm 2018 và đây là tổ chức mà Thái Lan không phải là thành viên). Năm 2020, thành viên RCEP, có 15 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, với Trung Quốc là nước dẫn đầu (không có Mỹ) và năm 2020 ký kết thương mại tự do với châu Âu cũng như Vương quốc Anh.
Trở thành thành viên của các Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp giảm dần thuế xuất nhập khẩu. Khi Việt Nam có một lực lượng lao động lớn (trong 95 triệu người, có đến một nửa ở độ tuổi dưới 35) và mức lương thấp, thì có rất nhiều đầu tư nước ngoài quan tâm. Ngoại thương làm tăng nhu cầu sản phẩm và mở rộng cơ hội tạo thu nhập cho đất nước.
Yếu tố thứ hai: Cải cách trong nước để phù hợp với việc mở cửa tự do thương mại trong nước bằng cách thực hiện linh hoạt hơn trong cơ chế thị trường. Việc nới lỏng các quy tắc làm cho hoạt động kinh doanh thuận tiện hơn. Năm 1986, luật xúc tiến đầu tư nước ngoài được ban hành và sửa đổi mang lại nhiều lợi ích.
Yếu tố thứ ba đầu tư nhiều vào phát triển nguồn nhân lực để xây dựng năng lực cạnh tranh. Cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là Internet, để hỗ trợ hoạt động ngoại thương và đầu tư.
Ba yếu tố này hỗ trợ lẫn nhau dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng có quyền lực tuyệt đối để thực hiện chính sách của mình một cách kiên quyết và liên tục. Tất cả những điều này đã được thực hiện trong 30 năm qua bằng cách sử dụng các bài học từ láng giềng.
Yếu tố thứ tư: Người Việt Nam đã phải chịu đựng những cuộc chiến tranh lâu dài. Khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước thống nhất thành công, giành được tự do thì những sức bật nội tại và thiên phú của con người Việt Nam bùng nổ. Cùng với cơ cấu dân số, tạo điều kiện cho một số lượng lớn lao động với chi phí thấp đến các ngành công nghiệp nước ngoài, nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ 5-6% mỗi năm trong 10 năm liên tiếp, góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người một cách ổn định (từ chỉ 230 USD/năm thời điểm 1985 lên 3.498 USD/năm hiện giờ).
Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Một số nhà máy lớn của nước ngoài ở Trung Quốc đã chuyển đến Việt Nam. Vì vậy, có những sản phẩm được xuất khẩu từ sự đầu tư của các công ty lớn trên thế giới. Ngoài ra, khả năng khống chế tốt COVID-19 là một điểm cộng (mới chỉ 2.448 ca nhiễm, 35 ca tử vong dù vừa trải qua một đợt dịch bệnh mới), giúp các nhà đầu tư có suy nghĩ tích cực về Việt Nam.