Cà Mau mỗi năm mất hơn 800 ha đất do sạt lở

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:32, 05/12/2018

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Cà Mau mất gần 8.800 hecta đất do sạt lở. Nhiều nơi ở ven khu vực biển Đông và biển Tây tình hình sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người.
Sạt lở đê biển ở Cà Mau - Ảnh: Hàm Yên

Chiều 4.12, UBND tỉnh Cà Mau có báo cáo gửi đoàn công tác của Quốc hội về tình hình sạt lở do biến đổi khí hậu. Báo cáo này được trình sau khi ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội có chuyến khảo sát tình hình sạt lở ở Cà Mau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, sạt lở ven biển ở địa phương này diễn biến phức tạp, làm mất đất rừng phòng hộ. Từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã bị mất khoảng 8.870 ha (trung bình mỗi năm mất trên 800 ha). Biển Tây có nguy cơ cao về việc vỡ đê, gây ảnh hướng lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm nghìn hộ dân.

Dọc bờ biển Đông bị xói lở khoảng 57.000m. Có nơi xói lở sâu gây nguy cơ phá vỡ đê biển. Phía biển Đông xói lở có chiều dài 48.000m, gây mất đất rừng phòng hộ hơn 145 ha.

Ngoài ra, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp tại các huyện ven biển Đông là Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. Tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở khoảng 38km, trong đó có 8 vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở rất cao, cần di dời 1.000 hộ dân để đảm bảo tính mạng, tài sản.

Trước tình hình sạt lở do biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương bố trí nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp 300 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư, nhằm di dời khẩn cấp 356 hộ sống ven sông đang có nguy cơ sạt lở rất nghiêm trọng tại TT.Năm Căn, H.Năm Căn.

Ngoài ra, Cà Mau cũng đề nghị Trung ương xem xét có cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời, như chính sách về đất đai, về rừng: các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kè và được giao sử dụng rừng phòng hộ ven biển khôi phục thêm được từ dự án để kinh doanh du lịch sinh thái.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi đi khảo sát, đoàn công tác nhận thấy tỉnh Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu và Quốc hội cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy, vừa qua Quốc hội dành 10.000 tỉ đồng chống ngập của TP.HCM sang chống sạt lở sông, biển tại ĐBSCL.

Hàm Yên