Giá trị của dữ liệu mở trong quá trình chuyển đổi số đất nước

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:05, 11/03/2021

Dữ liệu mở đóng vai trò quan trọng trong phân tích dữ liệu phòng chống dịch COVID-19, đóng góp tích cực vào việc học tập trực tuyến trong dịch…

Theo ông Nguyễn Thế Trung - CEO Công ty DTT, Thành viên tổ công tác của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, dữ liệu mở không chỉ là thêm một kênh mới để cung cấp dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp mà còn tác động thay đổi nhận thức, quy trình quản trị của Chính phủ, củng cố niềm tin của xã hội và tạo nền tảng chuyển đổi số của đất nước.

Dữ liệu mở được làm từ năm 2018 và thể chế hóa vào năm 2020; đến năm 2021, dữ liệu mở mới chỉ đi bước đầu tiên tại trung ương và một vài địa phương, khởi đầu là dữ liệu mở trong các hợp phần của dự án nước ngoài tài trợ (nông nghiệp, bản đồ tài nguyên môi trường), tiếp theo là cổng dữ liệu mở Đà Nẵng và đặc biệt là Đề án Tri thức Việt số hóa.

Trong đại dịch COVID-19, theo ông Trung, dữ liệu mở đóng vai trò quan trọng trong phân tích dữ liệu phòng, chống dịch COVID-19 như đánh giá xếp hạng rủi ro về phòng, chống dịch sử dụng 60% là dữ liệu mở; các mô hình theo dõi dự báo về chống dịch được nhiều nhóm tham gia phân tích và góp ý nhờ vào việc mở dữ liệu về dịch.

gia-tri-cua-du-lieu-mo-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-dat-nuoc.jpg
Ảnh: Internet

Trong lĩnh vực giáo dục, dữ liệu giáo dục mở trên igiaoduc.vn của iTrithuc đóng góp tích cực vào việc học tập trực tuyến trong dịch. Bên cạnh đó, dữ liệu mở mang lại lợi ích cho Đà Nẵng, điển hình như Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng đã phục vụ cho hơn 60.000 người dùng và với khoảng 300.000 lượt truy cập thường xuyên để tìm kiếm, khai thác thông tin…

Đánh giá hiện trạng dữ liệu mở tại Việt Nam, ông Trung cho biết dữ liệu mở và xếp hạng dữ liệu mở là một xu hướng gần đây trên thế giới. Trong các đánh giá quốc tế, Việt Nam còn xếp hạng thấp về dữ liệu mở.

Theo thống kê, có khoảng hơn 100.000 bộ dữ liệu mở tại Việt Nam có giá trị, tuy nhiên chưa có sự thống nhất, kết nối và chuẩn hóa. Nhiều dữ liệu (mở) chưa chính thức chuyển sang chuẩn dữ liệu mở và còn thiếu vắng giấy phép dữ liệu mở Việt Nam.

Với những phân tích đó, CEO của Công ty DTT đề xuất cần đẩy mạnh các hoạt động tham gia của các bên cũng như việc tạo ra giá trị kinh tế. Với các điều kiện đã được thiết lập về thể chế, cổng dữ liệu, Bộ TT-TT cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng các dữ liệu mở (không phải chỉ xây cổng) tại các cơ quan nhà nước và sớm ra mắt giấy phép dữ liệu mở Việt Nam

Ngoài ra, ông Trung cũng đề xuất Bộ TT-TT cần hỗ trợ các sáng kiến đã hình thành như Công khai y tế, công khai thống kê, công khai ngân sách, iGiaoduc, VMAP, biến các sáng kiến này thành các nền tảng dựa trên dữ liệu mở để xã hội tham gia và cộng tác nhiều hơn, tạo ra giá trị kinh tế (nâng cao năng suất, hiệu quả cơ quan nhà nước) và khởi tạo các dịch vụ và cơ hội kinh doanh mới.

gia-tri-cua-du-lieu-mo-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-dat-nuoc-anh-1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng

Tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển Chính phủ điện tử

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, thời gian vừa qua, một số bộ, ngành, địa phương đã có cách làm hiệu quả để tháo gỡ điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử.

Cụ thể, TP.Đà Nẵng đã triển khai trước, thiết kế tổng thể, đồng bộ từ hạ tầng mạng, đến Trung tâm dữ liệu, dựa trên công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, dùng chung cho tất cả các cơ quan Đảng, HĐND và UBND các cấp để triển khai tập trung các ứng dụng có quy mô toàn Thành phố.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định mô hình một hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị tại địa phương đã thể hiện rõ tính ưu việt. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin, đồng thời tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu, tránh chồng chéo, lãng phí.

Hay như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay vì tự đầu tư, tự vận hành Trung tâm dữ liệu của Tỉnh, đã triển khai hình thức thuê dịch vụ điện toán đám mây của Công viên Phần mềm Quang Trung.

Về sử dụng và phát triển nền tảng, một số bộ, ngành, địa phương đã nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của công nghệ để sớm quyết định và lựa chọn sử dụng nền tảng. Điển hình như trong năm 2020, Bộ Y tế đã sử dụng Nền tảng V20 để kết nối tất cả các xã, thu thập, quản lý thông tin y tế cơ sở tập trung trên toàn quốc. Từ đó, tổng hợp, phân tích, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở đầy đủ, chi tiết, kịp thời, chính xác phục vụ cho hoạt động y tế của tất cả các tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương.

Thực hiện tinh thần Make in Vietnam, Bộ TT-TT đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam xây dựng các nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, đã có gần 40 nền tảng đã được giới thiệu, ra mắt với các tên tuổi như Viettel, VNPT, FPT, 1Office, Base, ezCloud…

Thu Anh