Làm gì khi phát hiện xe đổ trúng xăng giả có thể gây cháy nổ?
Xe - Ngày đăng : 21:23, 10/03/2021
Xăng giả gây nguy hại cho xe thế nào?
Xăng giả được tạo ra bằng cách trộn những hợp chất hóa học để kích chỉ ố Ron (chỉ ố Octance) cùng với tỉ lệ xăng thật nhất định. Loại xăng này thường chứa khá nhiều tạp chất, trực tiếp gây hại cho xe, làm giảm công suất, dễ gây chết máy, thậm chí là có nguy cơ gây cháy nổ.
Trong xăng giả sẽ có lượng xăng ete và pha dung môi làm tăng chỉ số Octance. Nếu xăng giả có chất gây hại cho động cơ thì sẽ làm hao mòn nhanh các chi tiết cơ khí, giảm công suất động cơ, ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và các hệ thống liên quan.
Thông thường xăng giả sẽ có hàm lượng chì cao. Khi chì thải ra ngoài trong quá trình hoạt động của động cơ dẫn đến ô nhiễm không khí, độc hại với con người.
Nếu tài xế đổ nhầm loại xăng giả, xe sẽ không xử lý tốt khí xả, có thể có những hợp chất nguy hại hình thành trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, xả ra môi trường.
Một trong những tác hại nguy hiểm hơn là việc sử dụng xăng giả còn giảm tuổi thọ của động cơ khiến xe thường gặp hiện tượng khó đề và chết máy khi đang chạy, khả năng gây cháy nổ cao. Khi các bộ phận cần sử dụng nhiên liệu để phục vụ cho sự vận hành, nhưng nhiên liệu không đủ chất lượng dẫn đến các bộ phận động cơ “gồng mình” lên chống chọi.
Các bộ phận của xe bị ảnh hưởng trực tiếp do xăng bẩn gồm hệ thống bơm xăng, các cảm biến của động cơ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho bộ điều khiển trung tâm ECU của xe, dẫn đến lỗi bơm nhiên liệu, lỗi động cơ.
Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất khi đổ nhầm nhiên liệu bẩn, kém chất lượng, chính là khả năng tăng tốc của xe không còn mượt mà. Nếu xe có hiện tượng trễ ga, rất có thể động cơ đang gặp phải một số vấn đề nên phản hồi chậm.
Ga chậm cũng là dấu hiệu nhận biết của nhiên liệu kém chất lượng trong buồng đốt. Bình thường, xăng sẽ giúp tạo nhiên liệu để lên ga, nhưng khi gặp phải xăng giả sẽ mất vài giây để phản ứng với bàn đạp ga trước khi tăng tốc, hoặc nó sẽ không tăng tốc chút nào.
Bên cạnh các vấn đề tăng tốc, nhiên liệu bẩn cũng có thể gây ra hiện tượng xe tự thay đổi tốc độ khi đang vận hành. Thậm chí nếu không đặt chân lên bàn đạp ga, người lái cũng có thể cảm nhận được tốc độ thay đổi mà không rõ lý do. Đây là dấu hiệu cho thấy nhiên liệu kém chất lượng tồn tại trong bình và xy-lanh.
Bộ lọc nhiên liệu có chức năng ngăn chặn bụi bẩn, mảnh vụn không xâm nhập vào bình xăng và trộn với nhiên liệu. Thế nhưng, nhiên liệu bẩn có thể khiến bộ lọc bị hỏng, dẫn đến hiệu suất xe suy giảm. Khi bảo dưỡng tại các trung tâm, các kỹ sư sẽ khuyên các tài xế nên kiểm tra bộ phận này.
Một dấu hiệu khác như xe tắt máy đột ngột khi đang chạy. Điều này có thể xảy ra khi xe đổ nhầm nhiên liệu bẩn, vì quá trình đốt trong sẽ không thể tạo ra công suất cần thiết để duy trì hoạt động của động cơ.
Ngoài ra, những xe có nhiên liệu bẩn thường khó khởi động. Nếu có quá nhiều nước hoặc các tạp chất trộn lẫn với nhiên liệu, động cơ của xe sẽ hoạt động không ổn định, thậm chí cháy nổ.
Có nhiều yếu tố dẫn đến hiện tượng trên, nhưng nhiên liệu kém chất lượng cũng là một nguyên nhân phổ biến.
Làm gì khi phát hiện đổ nhầm xăng giả?
Khi gặp những vấn đề trên, có thể xe đã đổ nhầm xăng giả. Người dùng cần đến ngay trung tâm bảo hành xe để xả hết xăng ra cũng như là được kiểm tra chi tiết tình trạng của động cơ xe.
Người dùng chỉ nên đổ xăng tại những cửa hàng xăng uy tín, có thương hiệu trên thị trường.
Góc nhìn của chuyên gia kinh tế
Ở góc nhìn của mình, các chuyên gia kinh tế và môi trường cho rằng hành vi pha chế, tiêu thụ xăng giả, xăng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại kinh tế của nhà nước và người tiêu dùng, mà đây còn là hành vi hủy hoại môi trường bởi khi bị đốt cháy, xăng giả thải ra môi trường nhiều tạp chất độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm không khí, đất đai... lâu dài.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải có biện pháp xử lý có tính chất răn đe nghiêm, bên cạnh xử phạt hành chính cần xử lý hình sự với các tình tiết tăng nặng đủ để những kẻ buôn bán xăng giả phải "chùn tay" vì lo sợ.
Bắt vợ chồng trùm xăng giả trong đường dây 2,7 triệu lít
Chiều 9.3, Công an tỉnh Đồng Nai đã mở rộng vụ án, khám xét thêm nhiều nơi, bắt khẩn cấp vợ chồng chủ hệ thống xăng Vân Trúc.
Mở rộng Chuyên án 920G, Công an Đồng Nai phát hiện Lê Thanh Tú (sinh năm 1966) cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân (sinh năm 1968), cùng trú tại 161A, khu phố 1, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM là giám đốc và quản lý điều hành của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc đã mua xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ (hai kẻ cầm đầu), sau đó phân phối ra thị trường để tiêu thụ.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc có trụ sở chính tại số 71/1G, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã thành lập thêm 11 chi nhánh của Công ty Vân Trúc tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã xây dựng 1 bến thủy nội địa có thể tiếp nhận tàu thủy chở xăng với tải trọng 1.000 tấn, sử dụng 4 tàu có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn để vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả; 1 kho với 7 bồn chứa, tổng dung tích khoảng 4,5 triệu lít.
Không chỉ tiêu thụ tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã phân phối xăng nhập lậu, xăng giả cho các cây xăng tại các tỉnh phía nam. Trung bình mỗi ngày, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.
Trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được, sáng 9.3, Đại tá Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (Trưởng ban chỉ đạo Chuyên án 920G) đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triển khai 12 tổ công tác với gần 400 cán bộ chiến sĩ đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở củađối tượng tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Cơ quan công an cũng đã thi hành lệnh bắt tạm giam với Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân về tội Buôn lậu quy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự và đã di lý số đối tượng này về Công an Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra.
Tang vật thu giữ gồm: 4 tàu tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 5 xe bồn dung tích 20 - 25 m3, 1 ô tô, 21 CPU, 1 laptop, 21 ĐTDĐ, 10 đầu thu camera, hơn 1,2 tỉ đồng, 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1,7 kg chất bột tạo màu mà các đối tượng sử dụng để pha chế xăng giả, niêm phong 38 bồn chứa xăng và 39 thùng hồ sơ, tài liệu có liên quan.
Bước đầu các đối tượng khai nhận sử dụng các tàu của Công ty Vân Trúc có tải trọng từ 400 tấn - 1.000 tấn mua xăng nhập lậu, xăng giả rồi pha chế, mang đi tiêu thụ tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc và phân phối cho các cây xăng trên địa bàn các tỉnh phía nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM.
Hiện Công an Đồng Nai tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.
Trong Chuyên án 920G, đêm 6.2, Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triển khai đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM.
Công an cũng bắt quả tang các đối tượng khi đang vận chuyển, mua bán, sang mạn tàu để pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long.
Vật chứng thu giữ là gần 2,7 triệu lít xăng giả, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ và hàng loạt tang vật liên quan.
Theo ước tính, hằng ngày đường dây này cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường.
Tính từ tháng 8.2020 đến nay, những kẻ gian đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng. Đến nay, công an đã bắt giữ hơn 40 người trong chuyên án, gồm cả Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) và tiếp tục mở rộng điều tra.