Vụ Ethanol Phú Thọ: Trách nhiệm thuộc về Ban chỉ đạo hay chủ đầu tư?
Sự kiện - Ngày đăng : 18:24, 08/03/2021
Khai báo trước tòa, ông Đinh La Thăng khai tham gia ban chỉ đạo dự án Ethanol Phú Thọ với tư cách trưởng ban chỉ đạo. Theo quy chế làm việc, Ban chỉ đạo chỉ đôn đốc về tiến độ, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các đơn vị thành viên của tập đoàn chỉ giới hiệu PVC tham gia dự án, không giới thiệu liên danh nhà thầu; và trách nhiệm về liên danh nhà thầu thuộc về chủ đầu tư.
Từ đấu thầu chuyển sang chỉ định thầu
Khai báo trước tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà (thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB) cho biết, năm 2009, thực hiện theo Nghị quyết PVN, PVB được thành lập ra để thực hiện dự án nhiên liệu sinh học phía Bắc - Ethanol Phú Thọ.
Theo lời khai của bị cáo Hà, ban đầu, đơn vị xây dựng kế hoạch đấu thầu rộng rãi với mong muốn có nhà máy chất lượng tốt. Bị cáo Vũ Thanh Hà cho biết trong khi PVB đang thực hiện các hoạt động tổ chức đấu thầu đã nhận được nhiều văn bản của PVN chỉ đạo giao cho PVC và liên danh được chỉ định nhận gói thầu dự án.
Trước nội dung truy tố của VKS, bị cáo Hà khai nhận PVC có gửi văn bản đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá nhưng bị cáo đã chỉ đạo từ chối và không xử lý vấn đề này của PVC.
Cụ thể, tháng 9.2008, PVB có quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05 xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu để sơ tuyển lựa chọn nhà thầu. Thời điểm đó, Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) đã ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được chấp thuận. Tiếp đó, PVC đã thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu này.
Hết giai đoạn 1, theo bị cáo Hà, công ty tư vấn đã chỉ ra 5 đơn vị có thể thực hiện trong giai đoạn 2. Thời gian này, bị cáo nhận được chỉ đạo bằng văn bản của PVN do lãnh đạo PVN, trong đó có ông Đinh La Thăng ký. Khi có chỉ đạo sát sao của ông Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu dự án này cho PVC và liên danh nhà thầu thì bị cáo nghĩ rằng việc chỉ định thầu đã được tập đoàn quyết định.
Cũng theo lời khai của bị cáo Hà tại phiên tòa, kết quả thẩm định hồ sơ đề xuất, Tổ thẩm định nhận xét hồ sơ đề xuất của liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đạt và bị cáo đã làm báo cáo cho PVOil, PVN.
Đề nghị của nữ Phó tổng PVN
Về phần mình, bị cáo Trần Thị Bình – Phó tổng giám đốc PVN khai nhận có tham gia và giữ chức Phó Ban chỉ đạo triển khai dự án nhiên liệu sinh học. Khi tham gia, bị cáo ký công văn gửi PVOil, các cổ đông... trên tư cách Phó tổng giám đốc đề nghị các cổ đông xem xét năng lực và nhu cầu thực tế của dự án để giao thầu cho PVC với hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp có kết luận là PVN có chủ trương chỉ định thầu cho PVC; tiếp đó, PVOil và PVC gửi công văn cho PVB kèm theo văn bản của bị cáo. “Tiếp đó, bị cáo có ký 1 văn bản gửi cho PVC đề nghị giữ chất lượng công nghệ như hồ sơ yêu cầu, không được hạ thấp tiêu chẩn về công nghệ...”, bị cáo Bình trình bày.
Bà Bình bị cáo buộc biết liên danh nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng để ký văn bản yêu cầu PVC phải có nghị quyết tự nguyện nhận thực hiện gói thầu; đề xuất HĐQT ra quyết định đồng ý chủ trương giao Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nữ bị cáo cho rằng nội dung truy tố của VKS chưa thỏa đáng. Cụ thể, theo lời trình bày của bị cáo Bình thì bản thân bà không được giao quản lý PVC nên không biết cụ thể năng lực của PVC.
Bị cáo Bình cũng khai thêm, trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo có nghe báo cáo hồ sơ đề xuất chưa đạt yêu cầu và có ý kiến nhận định rằng PVC không nghiêm túc nhưng không nhận được báo cáo nào... nên bị cáo nghĩ rằng hợp đồng đã được giải quyết.