Quân đội Mỹ sẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc thế nào?

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:01, 07/03/2021

Bài viết với tiêu đề The Longer Telegram của Đô đốc James Stavridis trên trang web Hội đồng Đại Tây Dương đưa ra kế hoạch chi tiết cho chiến lược của Mỹ để đối phó với Trung Quốc, cung cấp những manh mối quan trọng về đợt bố trí mới của các lực lượng Mỹ xung quanh Đông Á.

Đô đốc James Stavridis là nguyên Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts (Mỹ). Ông đã dành phần lớn sự nghiệp hoạt động của mình ở Thái Bình Dương và là tác giả cuốn sách "2034: Tiểu thuyết về Thế chiến tiếp theo".

Liệu chính quyền Biden có hoàn toàn chấp nhận lập trường tích cực trong bài viết này không vẫn còn được xem xét, nhưng các yếu tố đang được xem xét nghiêm túc. Chắc chắn nhóm nghiên cứu mới tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Biden, do quan chức cấp cao về chính sách châu Á - Kurt Campbell dẫn đầu và một nhóm chuyên gia châu Á chuyên sâu, sẽ xem xét nhiều lựa chọn khác nhau cho thành phần quân sự của một thế trận chiến lược tổng thể mới.

Theo ông James Stavridis, một trong những yếu tố quan trọng trong thành phần quân sự là loạt "lằn ranh đỏ" mà Mỹ sẽ đáp trả về mặt quân sự. Cụ thể gồm:

- Bất kỳ hành động vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học nào của Trung Quốc hoặc Triều Tiên chống lại Mỹ hoặc các đồng minh của họ;

- Bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan hoặc các đảo ngoài khơi của Đài Loan, bao gồm cả cuộc phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng lớn nhắm vào cơ sở hạ tầng và công cộng của Đài Loan;

- Bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc chống lại các lực lượng Nhật Bản nhằm bảo vệ chủ quyền với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh của họ ở Biển Hoa Đông;

- Bất kỳ hành động thù địch lớn nào của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm tiếp tục đòi lại và quân sự hóa các đảo, triển khai vũ lực chống lại các quốc gia có yêu sách khác hoặc ngăn chặn hoàn toàn hoạt động tự do hàng hải của Mỹ cùng các lực lượng hàng hải đồng minh;

- Bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào lãnh thổ có chủ quyền hoặc tài sản quân sự của các đồng minh theo hiệp ước Mỹ.

Lằn ranh đỏ là thuật ngữ dùng để chỉ về một giới hạn, ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua đó vì có nguy cơ phải đối diện với sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi.

quan-doi-my-se-chuan-bi-cho-cuoc-chien-voi-trung-quoc-the-nao.jpg
Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận đổ bộ ở Chonburi, Thái Lan, vào tháng 2.2020: Thủy quân lục chiến sẽ hoạt động trên biển và có thể đi vào vùng biển của Biển Đông 

Tại trụ sở chính ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, các nhóm chiến lược, hoạt động và chiến thuật đang cùng nhau đưa ra các phương pháp tiếp cận mới để triển khai lực lượng Mỹ. Những lựa chọn mới này sẽ được gửi lại cho Lầu Năm Góc trong khuôn khổ cuộc "xem xét lại tư thế" tổng thể do tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đảm nhiệm. Điều gì sẽ nổi lên?

Một lựa chọn là nâng cao vai trò của Thủy quân lục chiến Mỹ. Lực lượng này theo dõi rất nhiều lịch sử hoạt động trước ngày 9.11.2020 tại Thái Bình Dương từ sau Thế chiến thứ hai. Dưới sự lãnh đạo trí tuệ năng động của Tư lệnh Thủy quân lục chiến Dave Berger, không còn các đội hình quân đội lớn, khả năng bọc thép và chiến thuật Thủy quân lục chiến trên bộ như ở các cuộc chiến bất tận ở Trung Đông. Thay vào đó, trong bối cảnh chiến lược Mỹ - Trung, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ hoạt động trên biển và có thể đi vào vùng Biển Đông, bên trong các chuỗi đảo mà Trung Quốc dựa vào để phòng thủ.

Khi vào bên trong, họ sẽ sử dụng máy bay không người lái có vũ trang, khả năng tấn công mạng, Marine Raiders (lực lượng đặc biệt có khả năng cao) với tên lửa phòng không và cả vũ khí diệt hạm để tấn công lực lượng hàng hải Trung Quốc, thậm chí có thể cả các căn cứ hoạt động trên đất liền của họ. Ví dụ, các đảo nhân tạo được quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là mục tiêu lý thú. Về bản chất, đây sẽ là chiến tranh du kích từ biển.

quan-doi-my-se-chuan-bi-cho-cuoc-chien-voi-trung-quoc-the-nao1.jpg
Một đường băng và các tòa nhà trên đá Subi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông

Ngoài cách tiếp cận mới về chiến thuật và hoạt động trên biển, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra tích cực hơn trên khắp các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Chiến lược thông minh là dần dần đưa các tàu chiến của đồng minh khác vào cuộc tuần tra tự do hàng hải tích cực này. Làm như vậy sẽ quốc tế hóa sự phản đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đặc biệt, Lầu Năm Góc có thể hy vọng Anh, Pháp và các đồng minh NATO khác tham gia trong nỗ lực này. Thật vậy, Bộ trưởng Quốc phòng thuộc NATO gần đây ở Brussels đã tham gia các cuộc tham vấn về vai trò của liên minh trong việc đối mặt với khả năng quân sự ngày càng cao của Trung Quốc. Theo thời gian, Mỹ muốn thuyết phục Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore tham gia vào các đợt triển khai như vậy. Tư thế chiến lược hàng hải tổng thể của Mỹ được dự đoán là sẽ tạo ra liên minh hàng hải toàn cầu để đối mặt với các lực lượng có năng lực cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Ngoài các hoạt động trên biển, Không quân Mỹ có thể sẽ điều động thêm các máy bay ném bom và chiến đấu cơ tấn công tầm xa trên đất liền tới các căn cứ ở Thái Bình Dương phân bố rộng khắp châu Á, bao gồm một số địa điểm rất xa trên các đảo nhỏ hơn. Những cái gọi là nan hoa này sẽ được hỗ trợ từ các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc. Khái niệm này, được gọi là Việc chiến đấu nhanh nhẹn, bổ sung tính cơ động cao cho sức mạnh chiến đấu tập trung hiện tại của cả chiến đấu cơ và máy bay cường kích được triển khai trong khu vực.

Máy bay cường kích là máy bay quân sự được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên mặt đất và thường được triển khai hoạt động như một phương tiện hỗ trợ từ trên không và yểm trợ trong cự ly gần cho các đơn vị mặt đất trong lực lượng của mình.

Cuối cùng, Quân đội Mỹ sẽ tăng cường cả sức mạnh chiến đấu và khả năng cơ động để triển khai các đơn vị về phía trước hỗ trợ các giới tuyến màu đỏ dọc theo những tuyến đường được đề cập trong The Longer Telegram, bao gồm lực lượng tăng cường tại Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng có khả năng dễ dàng triển khai đến các đảo nhỏ hơn trong khu vực.

Cả Lục quân và Không quân Mỹ cũng sẽ tham gia vào các cuộc huấn luyện và tập trận bổ sung với người Đài Loan. Lực lượng Không gian mới của Mỹ sẽ chú trọng tập trung vào thông tin tình báo và trinh sát mục tiêu, cũng như các lựa chọn tấn công mạng được tăng cường từ Bộ Chỉ huy Mạng Mỹ, phối hợp với Cơ quan An ninh Quốc gia.

Tổng hợp lại, có vẻ như quân đội Mỹ đang tăng cường sự hiện diện và khả năng tác chiến ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời định vị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc trong những thập kỷ tới.

Longer Telegram cung cấp manh mối quan trọng về những lựa chọn mà Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang xem xét như một phần của chiến lược mới ​​đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhiều người hy vọng rằng chính sách ngoại giao khéo léo và nền kinh tế gắn bó với nhau của hai cường quốc sẽ ngăn cản chiến tranh bùng nổ, nhưng các nhà hoạch định quân sự của Mỹ đang bận rộn.

Nhân Hoàng