Đào bitcoin ngốn nhiều điện hơn điện năng nhiều nước đang sử dụng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:55, 28/02/2021

Đào bitcoin - quá trình mà bitcoin được trao cho một máy tính giải được một loạt thuật toán phức tạp - là việc tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Không chỉ giá bitcoin tăng vọt trong năm ngoái mà lượng năng lượng khổng lồ mà việc đào bitcoin tiêu thụ cũng vậy.

Giá trị của đồng tiền điện tử này đã giảm gần đây sau khi vượt qua mức 50.000 USD nhưng năng lượng được sử dụng để tạo ra nó đã tiếp tục tăng vọt, leo lên mức tương đương với lượng khí thải carbon hàng năm của nước Argentina, theo Chỉ số tiêu thụ điện bitcoin của Cambridge - công cụ các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge dùng để đo lường mức sử dụng năng lượng của đồng tiền này.

Sự quan tâm gần đây từ các tổ chức lớn ở Phố Wall như JPMorgan và Goldman Sachs có lẽ đã giúp bitcoin tăng giá trị. Sự chứng thực từ CEO Tesla - Elon Musk giúp giá bitcon tăng đến mức cao nhất gần đây khi các nhà đầu tư đặt cược rằng đồng tiền điện tử sẽ được chấp nhận sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai gần.

Trong khi sự sụt giảm gần đây đã làm ngừng trệ vận may của Elon Musk, bitcoin cũng đặt ra mối đe dọa với sứ mệnh mà Tesla đặt ra là “một tương lai khí thải bằng không”, đặt ra vấn đề nghiêm trọng với các chính phủ và tập đoàn đang tìm cách hạn chế lượng khí thải carbon của chính họ.

Đào bitcoin - quá trình mà bitcoin được trao cho một máy tính giải được một loạt thuật toán phức tạp - là việc tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Đào bitcoin liên quan đến việc giải các bài toán phức tạp để tạo ra bitcoin mới. Những người khai thác được thưởng bằng một lượng rất nhỏ bitcoin.

Trước đây, trong lịch sử tương đối ngắn của bitcoin (được tạo ra vào năm 2009), người ta có thể khai thác bitcoin trên một máy tính bình thường. Song, cách khai thác bitcoin đã được thiết lập bởi người tạo ra nó. Có một số lượng bitcoin hữu hạn có thể được khai thác: 21 triệu. Càng nhiều bitcoin được khai thác, các thuật toán phải giải quyết để có được bitcoin càng trở nên khó khăn hơn.

Bây giờ, hơn 18,5 triệu bitcoin đã được khai thác. Máy tính bình thường không còn có thể khai thác bitcoin nữa. Thay vào đó, việc khai thác hiện yêu cầu máy tính đặc biệt có thể chịu được trước sức mạnh xử lý cường độ cao cần thiết để có được bitcoin ngày nay. Tất nhiên, những chiếc máy tính đặc biệt này tiêu thụ rất nhiều điện để chạy.

Benjamin Jones, Giáo sư kinh tế tại Đại học New Mexico, người đã nghiên cứu tác động môi trường của bitcoin, cho biết: "Lượng điện được sử dụng để khai thác bitcoin trong lịch sử còn nhiều hơn lượng điện được sử dụng bởi vài quốc gia, ví dụ như Ireland. Tôi có thể nói là lên đến vài terawatt, hàng chục terawatt điện mỗi năm được sử dụng chỉ để đào bitcoin… Đó là rất nhiều điện”.

5000.jpg
Việc đào bitcoin tiêu thụ rất nhiều điện

Những người ủng hộ bitcoin nói rằng việc khai thác ngày càng được thực hiện bằng điện từ các nguồn tái tạo vì loại năng lượng đó trở nên rẻ hơn. Họ cho rằng năng lượng được sử dụng để đào bitcoin thấp hơn nhiều so với các việc khác. Chỉ riêng năng lượng bị lãng phí bởi các thiết bị gia đình được cắm điện nhưng không hoạt động ở Mỹ có thể cung cấp năng lượng để đào bitcoin trong 1,8 năm, theo Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge.

Thế nhưng, các nhà bảo vệ môi trường nói rằng đào bitcoin vẫn là nguyên nhân gây lo ngại đặc biệt bởi vì những thợ đào bitcoin sẽ đi đến bất cứ nước nào có điện rẻ nhất và đó có thể là những nước sử dụng nhà máy điện than. Theo Cambridge, đến nay, Trung Quốc có lượng khai thác bitcoin nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào. Tuy Trung Quốc đang chậm rãi chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, hiện giờ khoảng 2/3 lượng điện của nước này là từ than đá.

Vì không có cơ quan chính phủ hoặc tổ chức nào chính thức theo dõi nơi đào bitcoin và loại điện nào mà họ đang sử dụng, không có cách nào để biết liệu các thợ đào đang dùng điện được cung cấp bởi năng lượng tái tạo hay nhiên liệu khác.

Camilo Mora, Giáo sư địa lý và môi trường tại Đại học Hawaii, cho biết: “Những nơi đào bitcoin có thể được di chuyển khắp nơi và trong một số trường hợp, bạn thậm chí không tài nào biết được chúng ở đâu".

Trung tâm Tài chính Thay thế của Cambridge ước tính rằng mức tiêu thụ điện hàng năm của bitcoin dao động chỉ trên 115 terawatt  trên giờ (TWh), trong khi chỉ số được theo dõi chặt chẽ của Digiconomist đưa nó lên gần 80 TWh.

Chỉ một giao dịch bitcoin thôi đã có lượng khí thải carbon tương đương với 680.000 giao dịch Visa hoặc 51.210 giờ xem YouTube, theo trang web.

Một bài báo từ năm 2018 từ Viện Oak Ridge ở Ohio cho thấy lượng bitcoin trị giá 1 USD tiêu tốn 17 megajoules năng lượng, nhiều hơn gấp đôi lượng năng lượng cần thiết để khai thác đồng, vàng và bạch kim trị giá 1 USD. Theo một nghiên cứu khác từ Vương quốc Anh được công bố vào năm ngoái, sức mạnh máy tính cần thiết để khai thác bitcoin trong 2019 đã tăng gấp 4 lần so với năm trước và việc khai thác có ảnh hưởng đến giá cả ở một số thị trường điện và tiện ích.

Những người ủng hộ Bitcoin khẳng định rằng họ tin rằng bất kỳ tác động nào lên môi trường từ việc đào bitcoin đều xứng đáng vì sự hữu ích mà nó mang đến cho xã hội.

“Bitcoin sẽ không thể hoàn thành vai trò của nó, đó là một hệ thống lưu trữ và chuyển giao giá trị toàn cầu, an toàn nếu không tốn kém chi phí duy trì”, trích bài viết bảo vệ bitcoin từ Ria Bhutoria, Giám đốc nghiên cứu tại Fidelity Digital Assets.

“Máy tính và điện thoại thông minh có lượng khí thải carbon lớn hơn nhiều so với máy đánh chữ và điện báo. Đôi khi một công nghệ có tính cách mạng và quan trọng với nhân loại đến mức xã hội phải chấp nhận sự đánh đổi”
, nhà đầu tư Tyler Winklevoss viết trên Twitter.

Một số người đã chỉ ra rằng không cần phải đánh đổi giữa tiền điện tử và môi trường. Những người tạo ra ethereum, được coi là đồng tiền điện tử phổ biến thứ hai sau bitcoin, đã hứa sẽ thay đổi thuật toán của nó để làm cho việc khai thác thân thiện với môi trường hơn.

Vitalik Buterin, nhà khoa học máy tính đã tạo ra ethereum, nói với IEEE Spectrum rằng khai thác tiền điện tử có thể là “một sự lãng phí tài nguyên lớn, ngay cả khi bạn không tin rằng ô nhiễm và carbon dioxide là một vấn đề. Có những người tiêu dùng thực sự có nhu cầu sử dụng điện đang bị cản trở bởi những việc này".

Hiện tại, hoạt động khai thác ethereum tương tự như bitcoin, nơi các máy tính mạnh nhất có lợi thế hơn trong việc kiếm được nhiều bitcoin nhất khi chúng cạnh tranh để hoàn thành giao dịch trước. Các nhà phát triển của Ethereum đang làm việc để thay đổi hệ thống đó, các thợ đào tham gia vào một nhóm và được chọn ngẫu nhiên hoàn thành giao dịch, đổi lại nhận được một ether. Phương pháp này, được gọi là proof-of-stake (bằng chứng cổ phần), đảm bảo rằng sẽ sử dụng ít điện hơn để đào tiền tệ.

Song với việc bitcoin vẫn đóng vai loại tiền điện tử hàng đầu và sự chứng thực từ các công ty cùng ngân hàng đầu tư, tác động môi trường của đồng tiền này chỉ có thể tăng lên.

"Máy tính chỉ là đang lấy điện để chạy, nhưng nguồn điện của nó tạo ra sự khác biệt rất lớn với môi trường”, Camilo Mora nói.

Hoàng Phương