Sunflower, ngôi nhà được thiết kế ‘thuận theo tự nhiên’ và chống biến đổi khí hậu

Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 14:51, 27/02/2021

Sunflower House là điển hình cho phong trào Bauhaus, được thiết kế "tuân theo tự nhiên", nghĩa là phù hợp với môi trường và khí hậu của khu vực.

Sunflower House là một dự án của kiến trúc sư Koichi Takada có trụ sở tại Sydney. Ngôi nhà được thiết kế tại Ý cho một tương lai xanh và điển hình cho phong cách Bauhaus mới ở châu Âu.

ngoinhatheotunhien-3-.jpg
Ngôi nhà Sunflower nằm giữa một vùng khí hậu khắc nghiệt của Ý - Ảnh: Designboom

Trên Bloomberg Green, kiến trúc sư Koichi Takada đã trình bày về thiết kế Sunflower House - một tầm nhìn tiến bộ cho tương lai của ngành kiến ​​trúc, giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay mà cả thế giới đang phải đối mặt. Và với dự án “thiết kế thuận theo tự nhiên” được Bloomberg Green ủy quyền cho kiến trúc sư gốc Nhật cũng đã mở đường cho cái mà họ gọi là "phong trào Bauhaus châu Âu mới" sẽ có “tính thẩm mỹ riêng, thiết kế pha trộn và tính bền vững”.

Kể từ khi phong trào Bauhaus xuất hiện từ một trăm năm trước, đã định hình lại kiến ​​trúc của phương Tây thông qua các thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại, bao gồm cả kiến trúc. Phong cách mới này nhằm mục đích giúp tạo ra một thẩm mỹ chung mới từ nhu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu và hướng đến sự thân thiện môi trường". 

Theo diễn giải, 3 kiến ​​trúc sư nổi tiếng Koichi Takada, De Smedt và Casper Mork-Ulnes tập trung tính bền vững trong thiết kế ngôi nhà. Sunflower house được xây dựng tại một địa điểm ở Ý, dành cho một gia đình nhưng phù hợp với điều kiện khí hậu trong vùng, đồng thời, tạo ra nhiều năng lượng hơn mức sử dụng.

ngoinhatheotunhien-2-.jpg
Mô hình thiết kế của Sunflower House - Ảnh: Designboom

Takada nói: “Đối với chủ nghĩa Bauhaus, hình thức tuân theo chức năng, nhưng với ngôi nhà Sunflower chúng tôi nói rằng hình thức tuân theo tự nhiên. Vì tương lai của hành tinh, chúng ta phải chuyển từ công nghiệp sang tự nhiên. Chúng ta cần một kiến ​​trúc sống động, tôn trọng môi trường đồng thời nâng cao phúc lợi của con người sống ở đó”.

Ngôi nhà hướng dương lấy cảm hứng từ hoa hướng dương tự nhiên – một loài hoa đặc biệt luôn hướng về phía mặt trời, do vậy, được cung cấp năng lượng từ mặt trời. Dự án tọa lạc ở vùng Umbria của Ý, nổi tiếng là vùng đất nông nghiệp trải dài và những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, nơi các đợt nắng nóng thường xuyên và khắc nghiệt.

ngoinhatheotunhien-4-.jpg
Nguyên lý hoạt động của Sunflower House - Ảnh: Designboom

Nguyên lý hoạt động của Sunflower House như một bông hoa hướng dương, nghĩa là xoay theo hướng mặt trời để hấp thụ năng lượng một cách tối đa. Và cơ chế hoạt động này cho phép các tấm pin sản xuất nhiều hơn 40% điện năng so với thông thường. Điều này cũng có nghĩa là các tòa nhà tạo ra nhiều năng lượng hơn mức chúng sử dụng.

Ngoài ra, khi năng lượng khi không được sử dụng có thể được cung cấp vào lưới điện hoặc được lưu trữ trong 'hạt' pin; nước mưa sẽ lưu trữ lại để dành cho việc tưới tiêu và xả toilet. Chu vi xung quanh mái nhà sẽ che nắng cho các cửa sổ bên dưới và giúp thông gió. Một cơ cấu quay thứ cấp trên các bức tường kính sẽ bảo vệ tòa nhà khỏi bức xạ mặt trời. Tất cả những điều này còn nhằm hạn chế sự tăng nhiệt của mặt trời.

Kiến trúc sư Koichi Takada chia sẻ: “Các công trình nhân tạo đòi hỏi phải có nền móng lớn nhưng với ngôi nhà hoa hướng dương, thiên nhiên có được một sự cân bằng tuyệt đẹp”.

Mỗi tầng của Sunflower House sẽ có một căn hộ hai hoặc ba phòng ngủ và mỗi tòa nhà có thể cao tới ba tầng. Sunflower House còn ra khả năng mở rộng, tạo ra một khu dân cư tích cực với khí hậu”.

ngoinhatheotunhien-1-.jpg
Nguyên lý hoạt động của hoa mặt trời là hướng về phía mặt trời do vậy sẽ lấy nhiều năng lượng hơn bình thường  - Ảnh: Designboom

Takada nói: “Các nhà thiết kế và kiến ​​trúc nói về việc lấy cảm hứng từ thiên nhiên theo khía cạnh thẩm mỹ, nhưng chúng ta phải đi sâu hơn thế nữa. Nó không chỉ là việc làm cho một tòa nhà trông tự nhiên về mặt trực quan, mà còn là tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường ngay trong những ngôi nhà chúng ta sống, khu dân cư mà chúng ta làm việc và vui chơi, và cuối cùng là hành tinh của chúng ta”.

Nhật Hạ