Trung Quốc tiếp tục sử dụng 'con bài đất hiếm' trong đối đầu với Mỹ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:27, 22/02/2021

Trung Quốc đã đẩy mạnh khai thác và sản xuất đất hiếm trong bối cảnh chiến tranh công nghệ với Mỹ đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo Nikkie, trong một động thái được coi là biện pháp phòng thủ chống lại các lệnh cấm thương mại có thể xảy ra trong tương lai do Mỹ khởi xướng, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch sản xuất đất hiếm lên gần 30% trong nửa đầu năm nay.

Dù là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng phải nhập khẩu khoáng sản từ nước ngoài, chủ yếu từ Myanmar, Malaysia và Việt Nam. Nhập khẩu chiếm 47.000 tấn, tương đương khoảng một phần tư, thị trường đất hiếm của Trung Quốc vào năm ngoái.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên Trung Quốc hôm 19.2 cùng thông báo rằng hạn ngạch sản xuất trong nửa đầu năm nay sẽ là 84.000 tấn, một bước nhảy vọt so với 66.000 tấn của năm ngoái và là mục tiêu cao nhất cho đến nay đối với nửa đầu. Động thái này có thể là một nỗ lực nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách tăng nguồn cung cấp nguyên liệu quý giá này trong nước. Hạn ngạch đối với một số loại đất hiếm như dysprosi, được sử dụng để làm nam châm cho động cơ EV cho xe điện, đã được tăng lên 20%.

dat-hiem-2.jpg
Một khu mỏ khai thác đất hiếm ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc từng bước nâng hạn ngạch khai thác đất hiếm hàng năm lên 140.000 tấn từ 100.000 tấn trong kế hoạch 5 năm đến năm 2020. Sự thúc đẩy này phần lớn là do nhu cầu ngày càng tăng tại trong nước. Trung Quốc muốn xe điện, xe hybrid (loại xe sử dụng cả xăng và điện) và các phương tiện thân thiện với môi trường khác chiếm toàn bộ số ô tô mới được bán tại nước này vào năm 2035, đồng thời cũng đang tìm cách thúc đẩy sản xuất robot. Ngoài ra, những lo ngại rằng Mỹ có thể cố gắng cắt đứt chuỗi cung ứng ở nước ngoài của Trung Quốc cũng có thể là một trong những lý do cho việc đẩy mạnh khai thác và sản xuất đất hiếm.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã công bố dự thảo các quy định áp đặt sự giám sát của nhà nước đối với toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm, từ sản xuất đến xuất khẩu. Theo thông báo của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc hôm 15.1, trong khi các quy định hiện hành tập trung vào khâu sản xuất, như đào mỏ, luyện hoặc tách đất hiếm, còn dự thảo quy định mới sẽ quản lý “toàn bộ chuỗi công nghiệp” quặng quý hiếm, bao gồm các khâu tinh luyện, vận chuyển và tất cả các khâu dẫn đến xuất khẩu.

Quy định mới được đề xuất bởi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, yêu cầu các công ty phải tuân thủ những luật và quy định về kiểm soát xuất khẩu và nhập khẩu quặng đất hiếm. Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng cường kiểm soát dòng chảy của các nguyên liệu chiến lược, đóng vai trò không thể thiếu trong các ngành công nghệ cao khắp thế giới.

Dự thảo quy định mới cũng cấm hoạt động mua và bán các sản phẩm đất hiếm được khai thác và chiết tách trái phép. Một quan chức trong ngành công nghiệp này nói rằng điều này sẽ giúp ổn định thị trường, bảo vệ an ninh công nghiệp và môi trường, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin.

Một hệ thống theo dõi các sản phẩm đất hiếm sẽ được thiết lập để tăng cường “quản lý vòng kín” đối với chuỗi công nghiệp. Quy định mới cũng xác định trách nhiệm quản lý, quy trình phê duyệt dự án và quản lý hạn ngạch. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết họ đã bắt đầu lấy ý kiến ​​dư luận về dự thảo quy tắc. Các quy tắc dự kiến ​​sẽ được thực hiện sớm nhất trong năm nay.

Nikkie nhận định, các quy định mới sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn nguồn cung cấp nguyên liệu đã trở nên quan trọng đối với ngành sản xuất công nghệ cao trên toàn thế giới. Trung Quốc chiếm hơn 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu và xuất khẩu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào năm 2020.

Được biết kim loại đất hiếm, một nhóm bao gồm 17 nguyên tố quan trọng, thực sự không quá hiếm, chúng đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới ngoài Trung Quốc, như Úc, Brazil và một số nước châu Phi. Hoạt động khai thác đất hiếm tuy không phải là vấn đề khó khăn, nhưng quá trình xử lý đất hiếm để thu được nguyên liệu tinh khiết không hề đơn giản.

Vì đất hiếm rất cần thiết cho các bộ phận trong động cơ xe điện, và trong số nhiều ứng dụng khác, bao gồm cả máy bay không người lái và tên lửa, Trung Quốc coi kim loại này là "tài nguyên chiến lược" có thể được tạo ra lợi thế trong ngoại giao quốc tế. Bắc Kinh đã tận dụng ưu thế thống lĩnh thị trường đất hiếm như một vũ khí trong các tranh chấp thương mại trước đây, đồng thời phát đi tín hiệu sẽ có thể tiếp tục làm như vậy trong cuộc cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực với Mỹ.

Trung Quốc coi kim loại này là "tài nguyên chiến lược" có thể được tạo ra lợi thế trong ngoại giao quốc tế.

Hoàng Vũ (theo Nikkei)