Giáo sư Nguyễn Tài Thu từ trần: Mất mát lớn của ngành châm cứu Việt Nam
Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:45, 14/02/2021
Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh ngày 4.6.1931 tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông là bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực đông y, đặc biệt về châm cứu chữa bệnh. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam.
Ông đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam và Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Ông có quan hệ về khoa học kỹ thuật với 38 nước trên thế giới, là Giáo sư, Tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, anh Lê Duy Linh - một học trò của giáo sư Nguyễn Tài Thu cho biết: "Khi hay tin thầy Nguyễn Tài Thu qua đời, tôi thật sự không muốn tin dù biết thầy đã tuổi cao sức yếu. Sự ra đi của thầy đã khiến ngành châm cứu Việt Nam mất đi một nhân tài lớn. Với tôi, thầy Nguyễn Tài Thu là người thầy vĩ đại, sự ra đi của thầy là một mất mát lớn. Tôi cũng tự nhủ phải lấy thầy làm tấm gương để cố gắng hơn nữa đưa nền y học cổ truyền phát triển mạnh hơn, lan xa toàn thế giới".
Giáo sư Nguyễn Tài Thu đóng góp cho nền y học cổ truyền khối tài sản giá trị trường tồn với hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận đông y như Tân châm, Thủy châm, Nhĩ châm, Điện châm… Đó là cẩm nang nghiên cứu, học tập cho hàng ngàn y bác sĩ trước kia và hiện nay. Năm 1967, Giáo sư Thu đã đi sâu nghiên cứu châm cứu sau đó gây dựng Hội Châm cứu Việt Nam và đây chính là nền móng cho Bệnh viện Châm cứu Trung ương sau này. Từ con số 0, Hội Châm cứu Việt Nam do Giáo sư khởi xướng đã lên đến 27.300 hội viên. Được biết trước khi ông mất, ông đã mở hơn 500 lớp học truyền nghề cho cả quân y, dân y trên nhiều tỉnh thành Việt Nam như Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng...
Khi còn sống, Giáo sư Nguyễn Tài Thu luôn tâm huyết chia sẻ rằng: “Châm cứu là phương pháp điều trị y học cổ truyền không tốn kém chi phí, không đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, mang đến hiệu quả cao, điều trị nhiều bệnh lý cấp tính và mạn tính. Trong quá trình nghiên cứu và công tác, tôi nhận thấy khi chữa bệnh ta vẫn đưa thuốc vào cơ thể bằng cách tiêm vào tĩnh mạch hay bắp, vậy có thể tiêm thuốc vào thẳng các huyệt đạo để thuốc có tác dụng nhanh”. Đó cũng chính là lý do Giáo sư khởi xướng trường phái Tân châm và đi theo y học cổ truyền, ứng dụng tinh hoa dân tộc.