Cảnh u ám của ngành bán dẫn Trung Quốc

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:00, 14/02/2021

Chính quyền Trung Quốc có tham vọng tạo ra “nhà vô địch quốc gia” trong ngành bán dẫn. Vì vậy giới chức các địa phương sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chip ngay cả khi thông tin doanh nghiệp hết sức đáng ngờ.

Tham vọng xây dựng nên đơn vị bán dẫn hùng mạnh dẫn đến tình trạng đầu tư liều lĩnh vào hàng loạt dự án yếu kém. Nhiều dự án đã phá sản sau vài năm sử dụng hàng tỉ USD từ cơ quan nhà nước.

Tình trạng trên đã đánh động Ủy ban Cải cách - Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC). Cơ quan này vào tháng 10.2020 từng chỉ trích một số doanh nghiệp thiếu kiến thức về phát triển mạch tích hợp (chip) mà vẫn dấn thân làm dự án.

NDRC đang hợp tác cùng các cơ quan chức năng khác áp dụng quy định quản lý dự án phát triển và sản xuất chip nghiêm ngặt hơn, trong lúc nỗ lực thúc đẩy ngành bán dẫn vẫn tiếp tục. Đây là vấn đề sống còn: căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung chắc chắn còn kéo dài, việc hạn chế tiếp cận chip và phụ kiện mà Mỹ áp đặt với nhà sản xuất Trung Quốc đã và sẽ đem lại thiệt hại nặng nề.

Một nhà đầu tư kỳ cựu làm việc tại miền đông nam Trung Quốc cho biết: “Ngành bán dẫn vô cùng phức tạp với nhiều bên liên quan. Rất khó để quy trách nhiệm và xử lý khi dự án xảy ra sai sót. Ngoài ra nếu phát hiện gian lận thì giới chức địa phương sẽ dẹp bỏ lòng tự ái để xin lỗi, học tập từ thất bại rồi im hơi lặng tiếng”.

tsinghua-unigroup-taiwan.jpg
Ngành bán dẫn Trung Quốc vô cùng phức tạp - Ảnh: Reuters

Tai tiếng lớn nhất tính đến nay liên quan đến Công ty sản xuất bán dẫn Hoằng Tâm (HSMC) – đơn vị có dự án nhận hỗ trợ khổng lồ từ chính quyền quận Đông Tây Hồ thuộc thành phố Vũ Hán.

Ngày 30.7.2020, giới chức địa phương thông báo dự án của HSMC không thể tiếp tục vì bất đồng về việc cấp vốn. Chính quyền Đông Tây Hồ tiếp quản dự án nhưng chẳng hề có kế hoạch rõ ràng nào.

Tiến hành điều tra dự án, trang tin 36Kr phát hiện nhiều điều sai trái HSMC thực hiện suốt 3 năm qua.

HSMC thành lập năm 2017 bởi chính quyền Đông Tây Hồ và công ty công nghệ Quang Lượng Lam Đồ (Bắc Kinh) – pháp nhân đăng ký tên Tào San. Ông Tào cam kết đầu tư 1,8 tỉ Nhân dân tệ (gần 280 triệu USD) đổi lấy 90% cổ phần HSMC, cổ phần còn lại thuộc về chính quyền (đầu tư 200 triệu Nhân dân tệ).

Lúc gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng, Tào luôn giới thiệu bản thân là Phó chủ tịch công ty bán dẫn Đài Loan TSMC hoặc Phó chủ tịch văn phòng New York của công ty Acer. Ông còn khoe khoang mối quan hệ cá nhân với quan chức cấp cao Trung Quốc.

Tào là người đưa Long Vỹ - nhân vật giỏi giang giúp kêu gọi chính quyền Đông Tây Hồ đầu tư - vào HSMC, sau đó Long chiêu mộ một người tên Lý Tuyết Diễm. Đội ngũ sáng lập đã hoàn thiện: Long làm Chủ tịch, Tào làm Giám đốc, Lý giữ chức Tổng giám đốc.

Lời hứa đầu tư 1,8 tỉ Nhân dân tệ của Tào chưa bao giờ thành hiện thực. Trong khi đó HSMC nhận được thêm 8 tỉ Nhân dân tệ từ chính quyền Đông Tây Hồ sau hai lần rót vốn năm 2019.

ndg2mdnimmzqmdbxznjrbw0wmdn1yzawmhprmdbub20-.jpg
Công trường nhà máy sản xuất chip của HSMC vẫn ngổn ngang sau 3 năm - Ảnh: Sina

Chưa đầu tư như cam kết chỉ là phần nổi. 36Kr phát hiện thậm chí Tào San cũng không phải tên thật, người sáng lập HSMC tên thật là Bao Ân Bảo.

Tào San là tên tài xế riêng của Bao, như vậy mọi lời giới thiệu hoa mỹ trước nhà đầu tư đều là giả: TSMC không hề có Phó chủ tịch nào tên này, Acer không hề có văn phòng ở New York. Gây sốc hơn là trên thực tế Bao chỉ mới học hết tiểu học và chẳng hề có trình độ chuyên môn.

Thông tin trên không thể ngăn HSMC trở thành “ngôi sao” của Vũ Hán cũng như của toàn tỉnh Hồ Bắc. Công ty nhận mình thu hút được 20 tỉ USD tiền đầu tư, chẳng biết làm thế nào mà họ được quan chức lẫn nhân vật có tiếng trong ngành ủng hộ.

Với nguồn tài chính lớn, HSMC lập kế hoạch sản xuất chip các loại từ 90 micromet đến 7 nanomet. Bao mạnh miệng tuyên bố công ty sẽ chỉ đứng sau Samsung, TSMC về công nghệ chip.

HSMC cần một đội ngũ đủ năng lực hiện thực hóa tham vọng. Bao thông qua Công ty Cảnh Thái (Thượng Hải) mời về 100 nhân sự cao cấp – trong đó có cựu Giám đốc điều hành TSMC Tưởng Thượng Nghĩa. Mức thù lao hấp dẫn giúp HSMC nhanh chóng xây dựng nên đội ngũ kỹ thuật hùng mạnh. Công ty còn mua máy in thạch bản từ nhà cung cấp thiết bị Hà Lan ASML.

_3_asml-holding-usa-china.jpg
HSMC mua cả máy in thạch bản đắt đỏ từ Hà Lan - Ảnh: Reuters

Sau đó Bao trao hợp đồng xây nhà máy cho Tập đoàn Torch (Vũ Hán) không hề có kinh nghiệm xây dựng cơ sở sản xuất chip, mua lại bản vẽ thiết kế nhà máy SMIC (nhà sản xuất chip Trung Quốc). Những gì ông cần là công trường xây nhà máy để chính quyền rót thêm tiền.

Giữa HSMC và Torch trong khoảng thời gian tiếp theo gặp hàng loạt vấn đề về tài chính. Torch thậm chí còn nợ lương công nhân, dẫn đến cuộc biểu tình trước trụ sở chính quyền Đông Tây Hồ.

HSMC xoa dịu bằng cách trả trước một khoản tiền kèm lời hứa gọi điện báo cáo cho quan chức đứng đầu Vũ Hán. Bà Lý Tuyết Diễm (thay Long Vỹ làm Chủ tịch) trấn an rằng tiền không phải vấn đề.

Vậy mà họ thế chấp máy in thạch bản mua từ ASML cho ngân hàng, Tưởng không được thông báo về thương vụ này. Vụ việc làm nảy sinh bất đồng giữa ông với ban lãnh đạo, kết quả là ông từ chức vào tháng 6.2020.

Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) sau khi từ chức, Tưởng khẳng định bản thân không biết gì về vấn đề tài chính HSMC đang đối mặt. Ông xem khoảng thời gian làm việc tại đây là ác mộng.

Tính toán thu chi của HSMC suốt 3 năm, 36Kr ước tính công ty vẫn còn 12,4 tỉ Nhân dân tệ. Nhưng khi chính quyền Đông Tây Hồ tiếp nhận dự án thì công ty chỉ còn đứng tên vỏn vẹn hơn 10 triệu Nhân dân tệ.

Câu hỏi tiền đã đi đâu vẫn còn chìm trong bí ẩn, 36Kr chỉ phát hiện HSMC có mối quan hệ tài chính phức tạo với nhiều thực thể liên quan đến ban lãnh đạo.

Sau khi tiếp quản dự án, chính quyền Đông Tây Hồ sa thải bà Lý. Hai ông Long và Bao đã rời HSMC từ sớm. Ngoài ra, Bao được cho đang nắm trong tay hàng loạt dự án bán dẫn không liên quan khác.

Cẩm Bình