PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Đổi mới, sáng tạo cần một thể chế tiến bộ và cởi mở
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:36, 12/02/2021
Năm 2020, thế giới “bàng hoàng” bởi cú sốc đại dịch COVID-19 với tác động sâu rộng trên bình diện toàn cầu. Đại dịch này khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhưng cũng mở ra nhiều hướng đi mới cho doanh nghiệp. Nhân dịp đầu năm, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP.HCM) về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam năm qua – một năm tăng trưởng dương giữa bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành?
Năm 2020 vừa qua là một năm hết sức đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Năm qua cũng là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của một thập niên, cũng vừa là một chu kỳ kinh tế.
Đây là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung bắt đầu đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Riêng với Việt Nam, đó là sự kết thúc của quá trình tăng trưởng chỉ dựa trên lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên. Nền kinh tế buộc phải bước vào một quá trình chuyển đổi.
Năm 2020 cũng là năm chúng ta phải chữa lành các vết thương kinh tế do thực hiện các tái cấu trúc nhạy cảm như cải cách hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, giải quyết các bất hợp lý trong cơ chế quản lý, điều hành kinh tế… và điều này đã gây ra các bất ổn rất lớn.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của chúng ta cũng đang tìm cách ứng phó với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã sớm nhận ra đây là một cơ hội rất quý để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển và tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Nhưng làm sao để tận dụng được cơ hội này chúng ta phải bắt đầu từ những bài toán cụ thể như làm sao để quản lý được taxi công nghệ và những mô hình kinh doanh mới, dựa trên nền tảng kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý thu nhập và hành lang pháp lý của thương mại điện tử, rồi làm sao để dung hoà lợi ích của tài chính công nghệ fintech và các mô hình truyền thống, hàng loạt các bài toán đã và sẽ tiếp tục được đặt ra.
Chính phủ hiện cũng đang tìm cách để thích ứng với các xu hướng này nhưng tôi nhận thấy có điểm sáng là sự tiến bộ và cởi mở trong chính sách.
Trong giai đoạn trước, lúc bắt đầu thực hiện quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế, chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường chúng ta vẫn có phần cứng nhắc và bảo thủ, đặt các yếu tố chính trị lên rất cao nên phải hy sinh một số thể chế cho phát triển.
Thập niên mới mở ra, đã tạo ra sức ép nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh kiểu mới. Thế hệ doanh nghiệp này sẽ tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới. - PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Tuy nhiên, tôi nhìn thấy trong năm 2020 và vài năm trước đó, khi làn sóng CMCN 4.0 lan tới Việt Nam thì đã có sự cởi mở trong thể chế và chính sách để đón nhận.
Thậm chí chúng ta còn mạnh dạn cấp phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong khi các quốc gia khác, thậm chí các nước phát triển vẫn hạn chế hoặc cấm hẳn. Tôi cho rằng đây là điều rất tích cực và táo bạo của Chính phủ khi tiếp cận các xu hướng mới của nền kinh tế số.
Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Tôi cho rằng đây là quyết định quan trọng và hết sức cần thiết để tạo một bước đệm cho vai trò nòng cốt của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế. Nền kinh tế đã trải qua nhiều biến cố cho thấy các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã không phát huy được tác dụng như kỳ vọng.
Các doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi sẽ triệt tiêu sáng tạo. Trong một thế giới thay đổi quá nhanh, thị hiếu người tiêu dùng biến đổi hàng ngày thì sự kinh doanh bảo thủ và dựa trên đặc quyền sẽ không phát huy tác dụng. Nếu các doanh nghiệp nhà nước không tạo ra được động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thì phải dựa vào khu vực tư nhân.
Tôi thấy một trong những chính sách kinh tế rõ nét nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua là kêu gọi kiến tạo khởi nghiệp, khuyến khích mọi người khởi sự làm ăn, dân giàu nước mạnh. Đây là những thông điệp rất rõ ràng, lạc quan cho nền kinh tế.
Các mô hình phát triển kinh tế giờ đây không còn quá đặt nặng nề vấn đề tư tưởng giáo điều nữa, các chính sách đã mang nhiều hơi thở của cuộc sống.
Vậy còn yếu tố COVID-19 thì sao, thưa ông? Có thể nói năm qua thì COVID-19 như một cơn siêu bão càn quét mạnh nền kinh tế toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cú sốc lớn cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, cũng nhờ đại dịch này mà chúng ta khám phá ra nhiều tiềm năng của nền kinh tế mà trước nay chưa phát huy được.
Đó là sức mạnh ý chí của người dân Việt Nam. Trước kia, chúng ta đã phát huy được ý chí của dân tộc trong chiến tranh giữ nước, trong đổi mới kinh tế thì lần này, chúng ta lại chứng kiến ý chí người dân Việt Nam khi chống chọi và vượt qua đại dịch, cả y tế lẫn kinh tế. Chính sự chịu đựng, cố gắng vươn lên của doanh nghiệp mới là động lực to lớn để vượt qua đại dịch vừa rồi.
Nhờ quyết sách và chủ trường đúng đắn, kịp thời đã tạo ra định hướng hành động rõ rệt cho doanh nghiệp và người dân. Chính điều này cộng với công tác truyền thông được làm tốt đã tạo ra sự đồng thuận trên dưới một lòng cùng chống dịch và đảm bảo phục hồi kinh tế.
Đây là một kinh nghiệm mà trước đó chúng ta chưa phát huy được. Nếu mà trong phát triển kinh tế mà chúng ta cũng quyết liệt và rõ ràng như chống dịch thì kinh tế Việt Nam còn phát triển hơn nữa.
Đặc biệt trong các đợt chống dịch vừa qua, thông tin minh bạch được truyền thông rất nhanh chóng và hiệu quả. Các cơ quan chức năng đã chủ động cung cấp thông tin nhanh chóng cho báo chí và điều này đã gần như xoá bỏ triệt để hiện tượng bất cân xứng thông tin, không còn đất cho các tin đồn thất thiệt tạo dư luận hoang mang, tâm lý đám đông.
Điều này, nếu như nhiều năm trước, những đồn đại về tăng giảm lãi suất, cung tiền, tỷ giá hối đoái cũng được làm tốt như vậy thì đã không có nhiều sự cố gây bất ổn và rất đáng tiếc.
Về tốc độ tăng trưởng, chúng ta có thể lạc quan vì trong bối cảnh COVID-19 vẫn đạt tăng trưởng dương, nhưng về chất lượng tăng trưởng kinh tế, nhìn nhận của ông thế nào? Theo ông, đâu là những điểm nghẽn cần giải quyết?
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng thì điều quan trọng hơn là các thành quả kinh tế đó có lan tỏa đến được với tất cả mọi người hay không. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, cải thiện diện mạo nền kinh tế nhiều hơn nhưng quan trọng là thành quả đó có được chia sẻ cho đại đa số người dân không.
Điều này cũng là mong muốn thôi, còn thực tế sẽ có những bất cập nhất định. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế càng cao thì khoảng cách giàu nghèo cũng tăng theo.
Những năm qua, việc quyết liệt chống tham nhũng, chống thất thoát, xâm phạm ngân sách cũng là cách để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Để tăng trưởng tốt hơn nữa, và phát triển kinh tế Việt Nam phù hợp với xu hướng mới của nền kinh tế thế giới thì trong 3 đột phát chiến lược mà văn kiện Đại hội 13 có nói đến là chất lượng nguồn nhân lực. Tôi cho rằng đây là điều rất quan trọng nhất.
Chúng ta nói “dọn ổ đón đại bàng”, đưa đất nước Việt Nam hùng cường thì điều quan trọng nhất là yếu tố con người. Chúng ta đón đại bàng bằng cách nào? Việc giảm thuế, rút ngắn thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng… thì đã rất cũ rồi, chúng ta đã triển khai từ hàng chục năm trước.
Ngày xưa thì “rải thảm đỏ”, giờ là “dọn tổ đón đại bàng”, chỉ là thay đổi cách nói thôi, đừng để bình mới mà rượu cũ!
Người ta đến nước mình đầu tư quan trọng là nguồn nhân lực tại chỗ có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Chứ họ mang máy móc hiện đại cùng công nghệ quản lý chuyên nghiệp sang nhưng trình độ nhân lực của ta yếu quá, phải tốn tiền đào tạo thì lợi thế cạnh tranh của chúng ta cũng bị triệt tiêu.
Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thuận tiện cho họ tiếp nhận nguồn nguyên liệu, các yếu tố đầu vào hay không, rồi khi họ tạo ra sản phẩm có thuận tiện để đưa nó vào vòng tuần hoàn của thế giới hay không?
Đại dịch COVID-19 xảy ra và các hệ luỵ của nó cũng sẽ làm thay đổi các mô hình và phương pháp ứng xử trước đây trong thương mại quốc tế cũng là cơ hội để Việt Nam cải thiện vị thế của mình trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, nhưng mục tiêu này được cho là không đơn giản. Mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên giờ đã không còn phù hợp và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là những trụ cột chính trong mô hình tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam. Theo ông, cần những giải pháp nào để thúc đẩy điều này?
Đây là định hướng tốt đẹp, nhưng chúng ta phải tạo ra được tốc độ tăng trưởng cao, mà không chỉ cao, phải bền vững nữa. Đại học Kinh Tế TP.HCM cũng đã thực hiện nhiều nghiên cứu về mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là điều được nhắc tới rất nhiều trong các văn kiện đại hội vừa qua.
Những năm qua, chúng ta tăng trưởng dựa trên nguồn lực từ khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ. Thời gian trước, chúng ta khá phụ thuộc vào nguồn thu lớn từ xuất khẩu dầu thô, hoặc các sản phẩm xuất khẩu khác chỉ có tính chất tự nhiên dưới dạng nguyên liệu hoặc sản phẩm thô chứ không có nhiều giá trị gia tăng.
Đó là tăng trưởng không bền vững, chúng ta luôn ở thế bị động, bởi tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, không thể cứ đào lên đem bán. Các nhà lãnh đạo cũng biết rằng mô hình tăng trưởng này không ổn, nhưng dù sao lúc đó vẫn còn dư địa.
Nhưng hiện tại, chúng ta cần phải tìm ra các nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế để tăng tính chủ động, không dựa hết vào tài nguyên. Nguồn lực đó được xác định là dựa vào thành quả của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Người dân Việt Nam khá thông minh, dễ thích ứng với cái mới. Lấy ví dụ làm bằng chứng là tại sao Grab và các hãng vận tải công nghệ khá thành công ở Việt Nam? Bởi vì chúng ta đã thích ứng với công nghệ và thay đổi hành vi khá nhanh.
Nếu chúng ta có những chính sách để những tiến bộ của khoa học, công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, kết hợp với sự thích ứng nhanh, linh hoạt của người dân Việt Nam thì chúng ta sẽ tạo ra được những động lực tăng trưởng mới. Còn nếu không tận dụng được cơ hội này, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp và tụt hậu ngày càng xa.
Theo ông, việc đổi mới, hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới cần được thực hiện như thế nào? Rõ ràng, để có được mô hình phát triển mới thì cũng cần những nhà lãnh đạo có tư duy mới?
Tư duy thiết kế chính sách đã được thay đổi rất nhiều. Các nhà lãnh đạo cũng ý thức rất rõ rằng đất nước phải phát triển, người dân phải giàu mạnh thì mới có được sự ổn định chính trị, an ninh kinh tế, dân trí được nâng cao.
Khi dân trí được nâng lên, tự người ta sẽ nhận thấy tăng trưởng kinh tế lan tỏa đến từng ngóc ngách của nền kinh tế, tác động đến cuộc sống của họ, làm cho cuộc sống ngày càng tốt lên thì họ sẽ càng có động lực để phấn đấu, dấn thân. Điều này sẽ làm đất nước sẽ phát triển.
Vì vậy, tôi cho rằng sự tài ba của các nhà lãnh đạo là phải tạo ra được thắng lợi kép, vừa tạo ra được sự phát triển kinh tế, vừa tạo ra một môi trường thể chế cởi mở, tiến bộ để hình thành bầu không khí phấn khởi, lạc quan cho người dân thì đó mới là thành công.
Ông nhận định gì về triển vọng kinh tế năm 2021? Theo ông, những thách thức nào Việt Nam phải đối mặt ở năm tới và dưới góc độ chuyên gia, ông có gợi ý thế nào về giải pháp vượt qua các thách thức này? Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và giai đoạn 5 năm tới?
Triển vọng kinh tế 2021 vẫn rất khả quan cho dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến đầy bất định. Lý do là sự lan tỏa của các gói kích thích kinh tế trước đây sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Các gói cứu trợ, kích cầu tiêu dùng nội địa trên diện rộng, đẩy mạnh đầu tư công và tăng cường xuất khẩu.
Chính sách tiền tệ và tài khoá cũng được nới lỏng tối đa. Gói đầu tư công hơn 700.000 tỉ đồng đã được giải ngân hơn 70% và các dự án đang được đốc thúc ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Tâm lý người dân cũng sẽ cố gắng nỗ lực, tăng năng suất để bù đắp cho những tổn thất của năm 2020, mà nói vui là năm Tân Sửu sẽ "cày như trâu"!
Vì vậy, đây sẽ là những động lực rất mạnh để cộng hưởng với các yếu tố cơ chế chính sách cởi mở, thúc đẩy nền kinh tế chuyển động và bắt đầu tăng tốc trong năm 2021.
Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng sự bất ổn vĩ mô, bong bóng bất động sản và chứng khoán. Cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao và có những phản ứng kịp thời.
Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua cũng sẽ có cơ cấu lãnh đạo mới. Khi được phỏng vấn thì các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng yếu tố tài năng cũng được đặt ngang hoặc thậm chí được xem trọng hơn các điều kiện về lịch sử, chính trị.
Đó là điều rất tích cực cho những năm tới. Công tác lãnh đạo thì yếu tố con người sẽ là quan trọng nhất. Tôi cho rằng những nhà lãnh đạo giỏi sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho nền kinh tế.
COVID-19 cũng coi như một cuộc “thanh lọc” với các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp, tổ chức không trụ được đã bị giải thể, phá sản nhưng bên cạnh đó cũng có hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới.
Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thức hoạt động, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ một cách thành công, ví dụ như những mô hình đi chợ thay, giao hàng tận nơi, khám bệnh, học online…đều được ra đời rất nhanh chóng để thích ứng với các điều kiện hạn chế do dịch bệnh.
Cùng với đó, nhiều nông dân từ chỗ chưa quen thuộc với internet đã buộc phải tìm hiểu để có thể dùng mạng xã hội quảng bá và giao dịch hàng nông sản trong giai đoạn cách ly chống dịch. Việc này cũng thúc đẩy tiêu thụ trong nước, đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Một khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới và Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 9 năm nay có hơn 60% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát đã tiến hành chuyển đổi số thành công để thích nghi với bối cảnh bất ổn của môi trường kinh doanh do tác động của COVID-19.
Thập niên mới mở ra, đã tạo ra sức ép nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh kiểu mới. Thế hệ doanh nghiệp này sẽ tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới.
Xin cảm ơn ông!