Con người lại vô tình phá hủy tầng Ozon
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 05:21, 16/10/2017
Chỉ mới vài tháng trước, cả thế giới vui mừng khi biết tin tầng Ozon đang phục hồi trở lại, 30 năm sau khi lỗ thủng ở Nam Cực được tìm thấy. Tuy nhiên, theo công bố mới đây của các nhà khoa học trên tạp chí Chemistry and Physics atmospheric, thì lỗ thủng Ozon sẽ sớm phình to trở lại do một tác nhân chưa được công nhận.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy lỗ hổng tầng Ozon tại Nam Cực cuối cùng đã bắt đầu "lành" lại. Nếu tiến trình này được duy trì, lỗ hổng có thể sẽ biến mất vĩnh viễn vào năm 2050. Thông tin này là niềm vui bất ngờ xuất hiện sau gần 30 năm kể từ khi loài người cấm phát thải các loại hóa chất phá hủy tầng Ozon.
Tầng Ozon vốn vô cùng quan trọng đối với các sinh vật sống trên Trái đất khi nó được xem là lớp "kem chống nắng" của hành tinh xanh, giúp con người và các động vật sống trên hành tinh của chúng ta không phải chịu tác động của nhiều tia bức xạ mặt trời có hại.
Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, lỗ thủng tầng Ozon đã trở thành mối đe dọa môi trường khủng khiếp được các nhà khoa học thừa nhận. Sau nhiều thập kỷ phát thải chlorofluorocarbon (CFC) vào bầu khí quyển thông qua các loại tủ lạnh, bình xịt, máy giặt khô đời cũ, con người mới giật mình và nhận ra rằng đây là loại hóa chất cực "độc hại" cho tầng Ozon.
Nguy hiểm hơn khi không lâu sau đó, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy tầng Ozon tại Nam Cực ngày càng mỏng đi, tạo thành một lỗ thủng rộng lớn.
Sự suy giảm tầng Ozon là nguyên nhân chủ yếu gia tăng tình trạng ung thư da trên thế giới. Khi không còn được bảo vệ bởi tầng Ozon, tia UV có thể chiếu trực tiếp xuống bề mặt trái đất và gây hại cho con người.
Để giải quyết vấn đề trên, hầu hết các nước trên thế giới đã chung tay ký Nghị định thư Montreal vào năm 1987. Nghị định thư Montreal là một hiệp ước toàn cầu nghiêm cấm việc phát thải CFC và các hóa chất gây hại khác cho tầng Ozon.
Thế nhưng, theo các nhà khoa học thì Nghị định thư Montreal chỉ tập trung cấm các chất phát thải vào trong khí quyển và điều đó có thể là một sai lầm nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho biết ngoài CFC còn có những hợp chất khác như dichloromethane được sử dụng trong keo dán, sơn và dược phẩm và 1,2-dichloroethane được sử dụng để sản xuất polyvinyl chloride (nhựa PVC, ống dẫn) là nguy hiểm cho tầng Ozon.
Cả hai hợp chất này đều được sử dụng rất nhiều và đang trở thành loại hợp chất có tỉ trọng cao trong thành phần của tầng Ozon. Theo nhà nghiên cứu khí quyển Lucy Carpenter thuộc Đại học York (Anh) thì sự có mặt của hai hợp chất nói trên làm chậm quá trình phục hồi của tầng Ozon.
Các nhà khoa học vẫn chưa đo được mức độ tác hại của cả hai loại hợp chất công nghiệp phổ biến nói trên đối với tầng Ozon. "Dù tác động hiện nay của chúng với tầng Ozon tương đối nhỏ nhưng vẫn cần thận trọng theo dõi vấn đề này", ông Ryan Hossaini một nhà nghiên cứu khí quyển tại Đại học Lancaster (Anh) cho hay.
Thiên Hà