Mối liên quan giữa biến đổi khí hậu với dịch COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:32, 06/02/2021
Theo một nghiên cứu công bố ngày 5.2, biến đổi khí hậu có thể đóng một vai trò quan trọng trong truyền vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho người khi "tạo điều kiện thuận lợi" một vài loài dơi mang mầm bệnh tiếp xúc gần hơn với con người.
Vi rút SARS-CoV-2 hiện đã khiến hơn 2 triệu người trên thế giới tử vong và gây ra tình trạng gián đoạn chưa từng có trên toàn cầu. Vi rút này được cho là bắt nguồn từ loài dơi ở Đông Nam Á.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge đã sử dụng dữ liệu về nhiệt độ và lượng mưa trong vòng 100 năm qua để lập mô hình dân số của hàng chục loài dơi dựa trên nhu cầu về môi trường sống của chúng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy trong thế kỷ qua, 40 loài dơi đã di chuyển tới sinh sống ở miền Nam Trung Quốc, Lào và Myanmar - khu vực mà các phân tích về di truyền học cho thấy vi rút SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện.
Do mỗi loài dơi mang trung bình 2,7 loại vi rút corona, các nhà nghiên cứu cho rằng 100 chuỗi vi rút corona hiện đang tập trung tại vùng "nóng" này.
Theo tác giả đứng đầu nghiên cứu, Robert Meyer thuộc Khoa Động vật học của Đại học Cambridge, trong khi chuỗi lây nhiễm chính xác vi rút SARS-CoV-2 từ động vật sang người vẫn chưa được xác định, thì biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người phá hoại môi trường sống ở châu Á đã đẩy các loài động vật mang vi rút tiếp xúc gần hơn bao giờ hết với loài người.
Ông nhấn mạnh: "Đó là hai mặt của một đồng xu: Chúng ta xâm nhập sâu hơn vào môi trường sống của chúng, song đồng thời biến đổi khí hậu có thể có tác động đẩy mầm bệnh về phía chúng ta".
Nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Science of the Total Environment, đã kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các biện pháp, trong đó có hạn chế các hoạt động mở rộng đô thị hóa và phá rừng để trồng trọt, nhằm giúp ngăn nguy cơ xảy ra đại dịch khác liên quan tới bệnh phong thổ ở động vật hoang dã.
Nghiên cứu cũng kêu gọi các nước nỗ lực hơn trong giảm thiểu biến đổi khí hậu để tránh xảy ra trường hợp các loài động vật hoang dã dồn về gần nơi sinh sống của con người.
Trong khi đó, theo nhà khoa học Camilo Mora của Đại học Hawaii cũng tham gia vào nghiên cứu này, sự thật là biến đổi khí hậu có thể đẩy nhanh tốc độ lây truyền mầm bệnh của động vật hoang dã sang người.
Đây là lời cảnh tỉnh khẩn cấp đối với các quốc gia cần tăng cường nỗ lực giảm lượng khí thải toàn cầu.