Hậu duệ đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức phục hồi nghi tiết dựng nêu ngày Tết

Văn hóa - Ngày đăng : 16:00, 05/02/2021

Cây nêu là hình ảnh đặc trưng của ngày tết cổ truyền Việt Nam. Thời xưa, nhà nhà đều dựng cây nêu trước nhà vào dịp tết. Cây nêu dựng lên như là dấu hiệu chính thức ngày tết đã bất đầu và lễ hạ nêu là nghị thức kết thúc những ngày lễ tết.

Nam bộ tuy là vùng đất mới nhưng nghi thức dựng nêu cũng phổ cập khắp vùng miền cùng với các nghi lễ tảo mộ, đưa rước ông Táo, đưa rước ông bà là những chuỗi nghi thức đặc trưng cho ngày tết. Nó vừa là hình thức vừa là nội dung của tết.

Cây nêu: nghi thức tết của mọi vùng miền

Từ thời các chúa Nguyễn với ý thức tạo lập bản sắc văn hóa cho vùng đất mới, các Chúa và sau đó đến các vua Triều Nguyễn lần lượt xây dựng những nếp sinh hoạt riêng cho Xứ Đàng Trong và đất phương Nam ngày nay. Thí dụ, lễ tảo mộ của Nam bộ bắt đầu từ rằm tháng chạp kéo dài đến 30 tết, mỗi gia tộc có ngày tảo mộ riêng của gia tộc mình. Theo cố nhà văn Sơn Nam đây là cách để những người từ miền ngoài vào khẩn hoang có thể tìm gặp đoàn tụ gia đình sau thời gian dài lưu tán trên vùng đất mới mênh mông. Sau một năm bươn chải làm ăn, đến ngày tảo mộ, các con cháu quay về tụ họp nhau tại ngôi mộ tiền nhân.

tettansuu1.jpg

Hai ông Nguyễn Huỳnh Triều và Nguyễn Huỳnh Long bên cây nêu ngày tết. Ảnh: A.K

Lễ tảo mộ Nam bộ hoàn toàn khác với lễ “Thanh minh trong tiết tháng Ba - Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” của người Hoa. Người Nam Bộ còn gọi lễ tảo mộ là dẫy mả, chạp mả, với ý nghĩa dọn dẹp vệ sinh mồ mả cho ông bà ăn tết trước khi con cháu ăn tết. Tiết thanh minh tháng Ba của người Việt Nam bộ là thời gian được khởi công sửa mồ mả hoặc làm mới mồ mả mà không cần coi ngày coi tháng.

Lễ dựng nêu của người Việt Nam bộ cũng có nét dị biệt với người Hoa qua câu ca dao: “Cu kêu ba tiếng cu kêu, cho mau tới tết dựng nêu ăn chè”. Dựng nêu gắn liền với ăn chè là đặc trưng của Nam bộ, dị biệt với các vùng miền khác.

Nhưng do điều kiện chiến tranh, chính quyền các bên tham chiến ở các địa phương lo ngại cây nêu ngày tết có thể dược dùng để nhắn gởi những tín hiệu gì đó, cây nêu bị cấm kéo dài hàng chục năm kể từ thập kỷ 1940 và qua nhiều thế hệ đã đánh mất thói quen dựng nêu ăn tết ở phương Nam, thậm chí là nhiều nơi trên cả nước.

Gia thế và gia phong của đức Tiền quân

Thế nhưng đặc biệt sáng ngày 3.2 .2021 nhằm ngày 22 tết Tân Sửu, tại phường Khánh Hậu ( thành phố Tân An, Long An), Nguyễn Huỳnh Gia Trang, mà gia chủ là ông Nguyễn Huỳnh Triều - hậu duệ dòng đích tôn đời thứ 7 của Đức Khâm sai chưởng Tiền quân Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đã phục hồi nghi thức dựng cây nêu.

Nhân đây xin nói qua một chút về thân thế và gia thế gia phong của đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Nhiều người Việt thời nay mê truyện Tàu, khoái xem phim cổ trang Trung Quốc, ngưỡng mộ Gia Cát Lượng, Quan Công. Người Việt thời xưa cũng chịu ảnh hưởng người Hoa cộng cư, cũng đi chùa Ông thờ cúng Quan Công nhưng xét theo chính sử thì ba anh em Lưu, Quan, Trương chỉ là giặc cỏ, qua ngòi bút La Quán Trung đã được tiểu thuyết hoá. Xét về nhân cách trung liệt thì Đức ông Nguyễn Huỳnh Đức hơn hẳn. Thời trẻ ông từng cứu tử Nguyễn Vương, được ban Quốc Tính (họ vua) nên cải danh từ Huỳnh Tường Đức sang Nguyễn Huỳnh Đức.

Một lần thất thế mất tin tức của Nguyễn Vương, bị Tây Sơn bắt đươc, Nguyễn Huệ mến tài dụ hàng ông đặt ra ba điều ước trong đó điều thứ nhất là dù hàng nhưng không làm điều bất nghĩa, không đánh nhau với quân của Nguyễn Vương, không làm điều ác như giết người tuyệt tự. Bất kỳ nghe tin Nguyễn Vương ở đâu ông sẽ tìm về đầu phục Nguyễn Vương.

tettansuu2.jpg

Ông Nguyễn Huỳnh Triều và cặp đói liễn bên cây nêu

Nguyễn Huệ chấp nhận và ông làm tướng cho Nguyễn Huệ 6 năm lập nhiều chiến công. Khi đang đóng quân ở Quy Nhơn nghe tin Nguyễn Vương ở Thái Lan, ông lừa tướng Tây Sơn đem mấy ngàn binh mã đi đường bộ sang Campuchia, Thái Lan. Đến nơi, Nguyễn Vương đã về lại Gia Định. Vua Xiêm mến tài muốn giữ ở lại nhưng ông đã khóc đến chảy máu mắt làm vua Xiêm cảm động phải cho về. Khi Gia Long lên ngôi ông lần lượt được phong Tổng Trấn ba thành quan trọng nhất là Quy Nhơn, Bắc Thành, Gia Định Thành kiêm chức Khâm sai như vị phó Vương. Các khai quốc công thần của Gia Long cùng thời như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt đều ít nhiều có vướng mắc lúc cuối đời, riêng với ông vẫn giữ trọn lòng trung không mang điều tiếng.

Các thế hệ hậu duệ của ông theo truyền thống gìn giữ gia phong hiếu nghĩa làm người dân trong vùng kính phục. Điển hình nhất trong thời cải tạo nông nghiệp, chính quyền lấy ruộng của các gia đình khá giả chia cho người nghèo, đến lúc các tập đoàn tan rã việc trả đất cho chủ cũ rất khó khăn, riêng vói ruộng đất của Huỳnh gia nhiều người dân đã tự nguyện trả lại mà không tranh chấp.

Là truyền nhân của võ tướng nhưng các hậu duệ của đứcTiền quân thế hệ hiện nay lại theo nghiệp văn. Hai ông Nguyễn Huỳnh Triều và Nguyễn Huỳnh Long đều là những nghệ nhân thư pháp nổi tiếng của Long An. Riêng ông Triều hàng chục năm qua là chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Long An đã đào tạo và kết nạp hàng trăm thành viên.

Nối truyền thống gia đình, phổ cập cho xã hội

Với truyền thống thư hương đó, những lễ nghi tế tự của gia tộc Nguyễn Huỳnh luôn giữ chỉn chu nề nếp truyền thống và là mẫu mực cho sinh hoạt nghi lễ của địa phương. Các thế hệ trước cha anh của anh Triều luôn duy trì lệ dựng nêu hàng năm. Từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Huỳnh Triều đã ao ước phục hồi lại nghi thức dựng nêu theo phong cách gia đình thời trước và phổ cập cho toàn xã hội.

Năm Tân Sửu này, ông Triều dự định sẽ làm tại hai điểm: một do Câu lạc bộ thư pháp dựng tại Công viên thành phố, một tại nhà ông. Rất tiếc dịch COVID-19 bùng phát nên điểm công viên không thực hiện được và chỉ làm ở tư gia. Cũng do COVID-19 nên nghi lễ và số người tham dự dựng nêu cũng đơn giản gồm các thành viên gia đình, đại diện Hội Văn nghệ Long An, báo Long An, Đài Phát Thanh Truyền hình.

tettansuu3.jpg

Ông Nguyễn Huỳnh Long đang viết thư pháp

Tại buổi lễ dựng nêu, ông Triều đã giới thiệu tóm tắt truyền thuyết về nguồn gốc cây nêu. Theo sự tích: ngày xưa đất nước bị quỷ chiếm, con người chỉ đi làm thuê và phải nộp phần lớn lúa thu hoạch cho quỷ. Quỷ muốn hưởng trọn vụ mùa lúa nên ra luật “Quỷ ăn ngọn người ăn gốc”. Con người phải cầu cứu, Đức Phật bày mưu người trồng khoai lang. Đến mùa người ăn củ, còn nộp cho quỷ phần ngọn đúng như yêu cầu. Quỷ tức giận đổi lại, đòi “ăn gốc, cho ngọn”. Phật bày kế cho người chuyển trồng lúa. Quỷ mất trắng nên đòi “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật dạy người giống cây ngô (bắp) lấy trái chỉ mọc ở giữa cây, để lại cả gốc và ngọn cho quỷ.

Quỷ bắt người phải trả ruộng không cho làm nữa. Phật xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Nghĩ là miếng đất ấy nhỏ nên quỷ đồng ý. Khi đó Phật dùng phép để bóng chiếc áo cà sa che hết mặt đất. Quỷ phải chạy ra Biển Đông.

Quỷ vào cướp lại nhưng bị con người dùng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột… để đuổi đi. Quỷ xin Phật cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.

Do đó, hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi nhà trồng cây nêu để Quỷ không dám tới. Trên ngọn cây nêu có buộc nhiều thứ như: túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ… hay những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như: lá phướn, chuông gió. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu và những tiếng động là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu.

Ông Triều cho biết, câu chuyện cổ thể hiện tâm lý người xưa phải chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, để bảo vệ mùa màng cuộc sống. Cây nêu là niềm tin, là ước muốn có vụ mùa tốt đẹp, cuộc sống yên lành. Về cơ bản cây nêu đều giống nhau như vậy. Nhưng dị biệt của từng nơi là ở các vật được treo. Ngày dựng nêu và nội dung hàng chữ trong lá phướn.

Ở miền Nam có nơi treo thêm lá bùa Bát Quái để trấn yểm tà ma. Nơi nào có loại nông sản đặc thù hoặc muốn thể hiện mong ước riêng tư nào thì treo thêm loại trái cây đó. Gia đình ông Triều ngày xưa có treo thêm trái bầu, thể hiện mong muốn sự sinh sôi nẩy nở, sự phồn thịnh ngày một tăng thêm. Về nội dung hàng chữ trong lá phướn là rất quan trọng, thể hiện ý chí, mong muốn chính yếu của gia chủ. Gia đình ông Triều ngày xưa dùng bốn chữ Hanh - Ngươn - Lợi - Trinh thể hiện mong muốn mọi sự hanh thông nguyên vẹn và trong sạch. Đó là mong muốn rất nhân văn, không ham giàu có tiền tài phú quý. Ngày nay, cây nêu lần này mang tính văn hóa nên lá phướn ghi lời chúc thân quen Mừng Xuân Tân Sửu Quốc Thái Dân An.

tettansuu5.jpg

Ông Nguyễn Huỳnh Triều bên bàn thờ cúng theo phong cách Nam bộ ngày xưa.

Theo điều tâm đắc của ông Triều thì quan trọng là cây cột nêu phải càng cao càng tốt gắn với câu chuyện nguồn gốc cây nêu và vẻ mỹ quan của nó. Với cây nêu càng cao nhìn từ xa người ta đã thấy. Thời xưa ba ông dựng cây nêu cao 5 mét. Cây nêu của ông lần này cũng khá cao treo chuông gió, khánh bạc và đặc biệt là lá phướn đỏ dài khoảng gần ba mét uốn lượn trong làn gió tết.

Trong nhà ngay gian giữa ông Triều bày một bàn cúng đơn giản theo phong cách Nam bộ ngày xưa là phải có đủ tam sên: Thịt heo, tôm, trứng biểu trưng cho ba loài dưới nước, trên mặt đất và trên không. Nhưng quan trọng, ấn tượng nhất là những bức thư pháp với nội dung là lời chúc xuân tốt đẹp. Đây cũng chính là đặc thù của cây nêu, gắn liền với thư pháp tùy theo bối cảnh cụ thể của nơi dựng nêu. Có thể treo thư pháp quanh cột, trên dây chằng thân cột hoặc xen với các cây kiểng chung quanh.

Với kinh nghiệm, phương pháp của ông Nguyễn Huỳnh Triều cây nêu đơn giản, không tốn kém, mỗi gia đình đình đều có thể tự làm để tăng thêm sắc mày và ý nghĩa tốt đẹp của ngày tết.

Theo Lê Đại Anh Kiệt/Người Đô Thị