Tại sao Biden muốn giống Trump cứng rắn với Trung Quốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:28, 04/02/2021
Trong những ngày đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã ban hành hàng loạt lệnh hành pháp nhằm vô hiệu hóa, đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm về nhiều lĩnh vực trong đó có WHO, biến đổi khí hậu và nhập cư.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, nội các mới của ông Biden đã ủng hộ cáo buộc của chính quyền Trump rằng Bắc Kinh đang phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như đưa ra tuyên bố cứng rắn về Đài Loan, lên án cách hành xử với Hồng Kông, xử lý đại dịch COVID-19 và bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy ở Sydney (Úc) nhận định rằng, dù Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan chưa có phát biểu nào lặp lại giọng điệu có phần “đanh thép” của những người đồng cấp của chính quyền tiền nhiệm nhưng xu hướng cho thấy rất rõ rằng Bắc Kinh sẽ chứng kiến sự tiếp nối chính sách về Trung Quốc từ Washington.
Theo McGregor, có nhiều lý do giải thích cho điều này, đặc biệt là Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở nên mạnh mẽ và hung hăng hơn trong lĩnh vực kinh tế và quân sự trong những năm gần đây. Nhưng có một yếu tố khác nữa khiến chính quyền Biden quyết tâm theo đuổi chính sách về Trung Quốc, đó là cái bóng của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Sau khi hứng chịu tàn phá từ đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Những biến động ở Washington trong quá trình chuyển giao từ chính quyền Trump sang chính quyền Biden càng xác nhận quan điểm của nhiều người ở Bắc Kinh - rằng hệ thống của Trung Quốc hoạt động hiệu quả còn mô hình của Mỹ thì bị phá vỡ. Họ cho rằng Trung Quốc có một hệ thống chính trị đem lại sự ổn định, còn hệ thống của Mỹ chỉ gây ra hỗn loạn, bạo lực và bất ổn.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc cho đến nay mang xu hướng hòa bình, nhưng liệu sự suy yếu của Mỹ có mang lại hòa bình không?", Đại tá Zhou Bo thuộc Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc đặt câu hỏi trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) số ra cuối tháng 1.
Chuyên gia McGregor cho rằng, ẩn chứa trong câu hỏi đầy châm biếm này là quan điểm rằng Bắc Kinh muốn các nước - đặc biệt là châu Á – nên hợp tác cùng Trung Quốc vì sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và sẽ diễn ra bên cạnh sự suy tàn của Mỹ, vì thế, các nước nên biết “chọn bạn mà chơi”.
Đầu quân cho chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden có nhiều nhân vật từng phục vụ cho chính quyền Obama, gồm các gương mặt chủ chốt như ông Blinken, ông Sullivan và điều phối viên sắp tới về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell, cùng người sẽ phụ trách chính sách Trung Quốc tại Lầu Năm Góc Ely Ratner.
Chính quyền Obama bị chỉ trích khá nhiều vì không nhận ra tham vọng chiến lược to lớn của Trung Quốc và tập trung một cách không cần thiết về các vấn đề như biến đổi khí hậu và dường như “cho phép” Bắc Kinh thỏa sức tự do ở Biển Đông. Sự miễn cưỡng cứng rắn với Trung Quốc của Obama có thể là vì ông muốn thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm George W. Bush - người chủ trương đưa Mỹ vào "các cuộc chiến không hồi kết" tại Trung Đông như ở Iraq và Afghanistan.
Khi lên nắm quyền, Obama đã thừa hưởng những hệ luỵ của một cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc và dành phần lớn thời gian trong năm đầu tại nhiệm để thuyết phục quốc hội Mỹ về các biện pháp phục hồi tăng trưởng. Chính quyền Obama đã thực hiện chính sách "xoay trục" sang châu Á vốn giành được hoan nghênh cao độ. Nhưng trên thực tế, thế chủ động của Mỹ đã bị mất đi.
Tương tự, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện cũng đang phải đối mặt với thách thức như thời Obama ở trong nước, đó là vực dậy nền kinh tế hết lần này đến lần khác bị suy yếu bởi đại dịch COVID-19. Nhưng rõ ràng, Biden cũng muốn nhanh chóng thực hiện chính sách đối ngoại.
Trong quá khứ, chính sách của chính quyền Tổng thống Obama là muốn lôi kéo Bắc Kinh vào quỹ đạo và ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại khẳng định Obama đã thất bại về chính sách, nhấn mạnh việc Mỹ ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình ở Trung Quốc không thực sự như mong muốn. Ông Trump lập luận rằng, Bắc Kinh càng can dự vào các vấn đề quốc tế, tăng cường hợp tác với các quốc gia đến đâu thì càng mở rộng ảnh hưởng đến đó. Điều đó tác động tiêu cực đến các lợi ích của Mỹ không chỉ riêng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trong mọi lĩnh vực trên trường quốc tế.
Nhận thức sâu sắc lập trường cứng rắn của Trump với Trung Quốc có thể đã đạt được nhiều đòn bẩy trước Bắc Kinh, các thành viên trong chính quyền mới của Mỹ đang điều chỉnh các chính sách trọng tâm nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng trước, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc đang tìm cách trở thành cường quốc thống trị thế giới và làm xói mòn các lợi ích của Mỹ.
"Tôi nghĩ những gì chúng ta chứng kiến trong những năm gần đây, cụ thể từ lúc Chủ tịch Tập Cận Bình lên lãnh đạo Trung Quốc, chính là sách lược 'ẩn mình chờ thời cơ' đã biến mất", ông Blinken nói và nhấn mạnh "không nghi ngờ gì nữa", Trung Quốc đã đặt ra thách thức lớn nhất cho Washington so với bất kỳ nước nào khác.
“Tôi cũng tin rằng Tổng thống Trump đã đúng đắn khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.