Bệnh viện Bạch Mai dừng không cho thăm hỏi bệnh nhân, Bộ Y tế ra công điện khẩn
Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:01, 29/01/2021
Trước diễn tiến phức tạp của bệnh COVID-19, bệnh viện Bạch Mai yêu cầu tất cả người nhà chăm, thăm hỏi người bệnh nằm nội trú không được ở lại buồng bệnh. Bệnh viện Bạch Mai vừa phát đi thông báo tạm dừng tất cả các hoạt động chăm sóc người thân, thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại khu điều trị nội trú của bệnh viện để tránh lây chéo COVID-19 giữa người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế, Bệnh viện sẽ bố trí nhân viên y tế chăm sóc toàn diện cho người bệnh, người nhà bệnh nhân sẽ không được ở lại trong buồng bệnh.
Song song đó, bệnh viện cũng cho chuyển tuyến những trường hợp bệnh nhân nhẹ, cho xuất viện những trường hợp đủ điều kiện. Bệnh viện cũng đề nghị toàn bộ người bệnh, người nhà người bệnh, khách... đến Bệnh viện Bạch Mai nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang, tầm soát thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế trung thực.
Bên cạnh đấy, sáng 29.1, Bộ Y tế cũng gửi công điện khẩn tới các bệnh viện và Ủy ban nhân dân cả nước về tăng cường các biện pháp phòng, kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt không được để bất cứ một nhân viên y tế nào bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Các địa phương phải cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Địa phương cũng cần rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Các nhân viên y tế cả nước cần khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để tập trung toàn bộ lực lượng cứu chữa và xử lý tình huống khi có dịch bệnh lan tới các tỉnh thành.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và đồng bằng sông Hồng, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết; Nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất.
Mặt khác, các đơn vị y tế phải cho lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh (có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp với đánh giá nguy cơ).
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát và báo cáo thường xuyên về Tiểu ban điều trị (Cục quản lý khám, chữa bệnh), trong đó có khó khăn và đề xuất cần chi viện, giúp đỡ từ tuyến trên (nếu có).