Đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong CMCN 4.0

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:45, 27/01/2021

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 xác định AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của CMCN 4.0, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.

Mục tiêu chiến lược đến năm 2025 sẽ đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Cụ thể, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2025 còn được xác định đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI; hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam. Nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.

unnamed.jpg
Ảnh: Internet

Đến năm 2030, chiến lược nêu rõ mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực...

Đặc biệt, hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm về AI bao gồm đội ngũ các chuyên gia và các kỹ sư triển khai ứng dụng AI; phổ cập được kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI cho đội ngũ lao động trực tiếp, phục vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ứng dụng AI phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh. Cùng với chuyển đổi số, ứng dụng AI góp phần thúc đẩy tăng trưởng một số ngành kinh tế.

Trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ 5 nhóm định hướng chiến lược, bao gồm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; phát triển hệ sinh thái AI; thúc đẩy ứng dụng AI; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ KH-CN xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AI; mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng AI, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam...

Bộ TT-TT được giao nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm AI trong các lĩnh vực có tiềm năng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm AI.

Hình thành nền tảng dữ liệu và tính toán. Cụ thể, xây dựng quy định, danh mục các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ mà các bộ, ngành, địa phương phải dùng chung, chia sẻ, mở; thúc đẩy văn hóa xây dựng và dùng chung, chia sẻ, mở dữ liệu trong cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, người dân... Khuyến khích hình thành các tổ chức triển khai đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật và quản lý đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm AI trong các tập đoàn, công ty và các đơn vị nghiên cứu...

Thu Anh