Để dịch vụ ngừng hoạt động, Google, Facebook, Netflix có thể bị phạt khoảng 415 triệu đồng
Thế giới số - Ngày đăng : 11:35, 18/01/2021
Năm ngoái, Hàn Quốc đã thông qua một sửa đổi luật quy định các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trực tuyến phải chịu trách nhiệm nếu không duy trì được dịch vụ ổn định trong bối cảnh ngày càng có nhiều khiếu nại chống lại những gã khổng lồ phát trực tuyến Netflix và Google (điều hành YouTube) sau khi dịch vụ của họ ngừng hoạt động một số lần.
Theo Đạo luật Kinh doanh Viễn thông sửa đổi, các nhà cung cấp nội dung trực tuyến lớn cũng được yêu cầu báo cáo lỗi dịch vụ cho Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc.
Quy tắc mới áp dụng cho các công ty trực tuyến chiếm từ 1% trở lên lưu lượng dữ liệu hàng ngày trung bình của Hàn Quốc trong 3 tháng cuối năm và có hơn 1 triệu người dùng hàng ngày.
Bộ CNTT-TT Hàn Quốc cho biết những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu chiếm một phần đáng kể lưu lượng dữ liệu hàng ngày của nước này trong 3 tháng cuối năm 2020, với Google chiếm 25,9%, tiếp theo là Netflix với 4,8% và Facebook là 3,2%.
Trong số các công ty địa phương, nhà điều hành cổng thông tin Naver giữ vị trí hàng đầu với 1,8%, tiếp theo là đối thủ Kakao với 1,4% và dịch vụ phát trực tuyến video Wavve với 1,18%.
6 công ty nêu trên chiếm tổng cộng 38,3% lưu lượng truy cập trung bình hàng ngày của cả nước Hàn Quốc giai đoạn này.
Dữ liệu của Bộ CNTT-TT Hàn Quốc cũng cho thấy số lượng người dùng trung bình hàng ngày của Google trong giai đoạn này là 82,3 triệu, tiếp theo là Naver với 57 triệu, Kakao là 55,2 triệu, Facebook là 14,3 triệu, Netflix là 1,7 triệu và Wavve là 1 triệu.
Bộ CNTT-TT Hàn Quốc nói đã thông báo cho 6 công ty này và sẽ hoàn thành việc chỉ định vào đầu tháng tới sau khi tham vấn với họ.
Google là công ty đầu tiên tuân theo quy định mới vào tháng trước, phải gửi báo cáo cho Bộ CNTT-TT Hàn Quốc sau khi các dịch vụ của họ, bao gồm Gmail, YouTube và Google Calendar, ngừng hoạt động trong khoảng 45 phút.
Nếu không đáp ứng các quy định mới, các công ty có thể bị phạt hành chính lên tới 20 triệu won (18.000 USD, khoảng 415 triệu đồng).