Còn hơn 150.000 hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có điện
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:25, 14/01/2021
Hơn 150.000 hộ dân chưa có điện
Tại Hội nghị Tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 ngày hôm nay (14.1), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết đến nay cần thiết phải triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã.
Thứ trưởng nhìn nhận: Đây là các khu vực có suất đầu tư cấp điện cao nhất từ trước đến nay nhưng là các khu vực biên giới và hải đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người có ý nghĩa an ninh - quốc phòng quan trọng nên rất cần thiết cấp điện trong thời gian tới.
Như vậy, hiện vẫn còn khoảng 154.000 hộ dân khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo vẫn chưa có điện. Tuy nhiên, việc mở rộng tiếp cận điện năng cho các hộ chưa có điện được các cơ quan quản lý đánh giá là một thách thức lớn đặt ra cho giai đoạn tới.
Thách thức đầu tiên chính là huy động tài chính để đầu tư, do trong những năm tới cần một lượng đầu tư đáng kể vào việc cải tạo lưới điện phân phối hiện có để giảm tổn thất điện năng, nâng cao khả năng cung cấp điện của các trạm biến áp 110kV, lưới điện trung thế, hạ thế các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Cấp điện cho những hộ dân này không chỉ dừng lại ở vấn đề sinh hoạt mà còn để sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra còn phải xác định được cách thức thích hợp nhất để cung cấp điện cho các hộ còn lại vì hầu hết là ở các vùng sâu vùng xa miền núi, hải đảo, khả năng cấp điện từ lưới điện quốc gia sẽ có suất đầu tư lớn. Hiện nay cần cân nhắc thúc đẩy giải pháp cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Theo đó để cấp điện an toàn cho những hộ dân trên, giải pháp cốt lõi được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra chính là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cung cấp điện và đa dạng các giải pháp cấp điện cho khu vực nông thôn miền núi và hải đảo bằng việc triển khai các hình thức cấp điện nối lưới hoặc hệ thống lưới điện mini, phân tán tích hợp năng lượng tái tạo, bộ lưu điện, dự phòng diezel.
Đặc biệt nghiên cứu đưa vào sử dụng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đã được ứng dụng rộng rãi thời gian qua, có sẵn trên thị trường như máy bơm thủy lợi, máy sấy/làm lạnh, máy chế biến nông nghiệp và các trang thiết bị điện khác như máy móc phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm,...
Đồng thời, đẩy mạnh các mô hình không nối lưới như điện gió, điện mặt trời để cấp điện bền vững bằng năng lượng tái tạo. Hiệu quả của cách thức này được minh chứng rõ nét qua việc triển khai cấp điện năng lượng tái tạo độc lập cho các cụm dân cư nhỏ lẻ tại tỉnh Cao Bằng vừa qua đã giảm suất đầu tư trung bình từ khoảng 450 triệu đồng/hộ dân nếu đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia xuống còn khoảng 80 triệu đồng/hộ dân khi cấp điện bằng năng lượng tái tạo. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả tiết kiệm nguồn lực tài chính, trước mắt người dân có ánh sáng điện trong sinh hoạt, sử dụng được các thiết bị nghe nhìn, thiết bị thông tin liên lạc.
Ngày 13.12.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020. Đây có thể được xem là chặng đường cuối cùng cho Chương trình điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.
Quyết định này đặt ra mục tiêu cấp từ lưới điện quốc gia cho 17 xã chưa có điện; cấp điện khoảng 1.055.000 hộ dân trên địa bàn 9.890 thôn, bản. Giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho Chương trình này sẽ là 4.743 tỉ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư.
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Chu, An Sơn và Nam Du tỉnh Kiên Giang; Các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm tỉnh Khánh Hòa; cấp điện lưới cho Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.