Dịch vụ 5G thử nghiệm sẽ được phủ sóng tại các khu công nghệ cao trong thời gian tới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:29, 05/01/2021
Sở TT-TT tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương phê duyệt, chỉ đạo chi nhánh các tỉnh phát triển mạng 5G tại các Khu công nghiệp, khu dân cư; phủ sóng 3G, 4G tại khu vực biên giới.
Về vấn đề này, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết trên cơ sở giấy phép đã được Bộ cấp, các doanh nghiệp viễn thông di động (Tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone) đã chính thức thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G đến người dân từ tháng 11.2020.
Trước mắt, theo nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp viễn thông đã bước đầu phủ sóng tại các thành phố lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM (và sắp tới là tỉnh Bắc Ninh), tập trung tại nơi đông dân cư, mật độ xây dựng cao và tỷ lệ người dân có thiết bị đầu cuối 5G cao nhất trên toàn quốc. Trong thời gian tới, với khả năng kết nối vạn vật, tốc độ cao, độ trễ thấp, dịch vụ 5G thử nghiệm sẽ được phủ sóng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà máy sản xuất thông minh.
Theo Cục Viễn thông, hiện nay, tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới..., do khó khăn về địa hình địa lý, dân cư thưa, nhu cầu sử dụng không lớn nên còn chưa được doanh nghiệp phủ sóng 3G, 4G. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông (đặc biệt là Tập đoàn Viettel và VNPT) tập trung triển khai hạ tầng viễn thông tại các khu vực quan trọng như biên giới, hải đảo nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng đề nghị Sở TT-TT chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thống kê chi tiết các vị trí, khu vực biên giới chưa được phủ sóng di động 3G, 4G trên địa bàn và gửi thông tin về Bộ TT-TT (Cục Viễn thông) để tổng hợp và phương án chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khắc phục kịp thời.
Ưu tiên tận dụng toàn bộ hạ tầng của mạng 4G
Theo Cục Viễn thông, hiện nay các doanh nghiệp viễn thông di động đang triển khai thử nghiệm việc cung cấp dịch vụ qua công nghệ 5G, trên cơ sở kết quả thử nghiệm và đề xuất của các doanh nghiệp, dự kiến trong năm 2021, Bộ TT-TT sẽ xem xét, cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 5G.
Cục Viễn thông phân tích, nếu so sánh ở cùng quy mô phủ sóng thì yêu cầu về số trạm 5G chắc chắn nhiều từ 2-3 lần so với số trạm 4G, tuy nhiên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, Bộ đã xác định việc triển khai 5G ở Việt Nam sẽ ưu tiên tận dụng toàn bộ hạ tầng của mạng 4G; tập trung triển khai tại các khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Do vậy, chi phí đầu tư, số lượng cột ăng ten cho việc triển khai mạng và dịch vụ 5G sẽ được tối ưu hóa, bảo đảm tính khả thi. Bộ cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, triển khai một số biện pháp như roaming 5G, chia sẻ mạng RAN… nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển hạ tầng 5G của các doanh nghiệp viễn thông.
Liên quan đến việc triển khai mạng 5G, mới đây nhất, Sở TT-TT tỉnh Đắk Lắk có đề nghị Bộ TT-TT hướng dẫn về Kế hoạch thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại trong đề án của doanh nghiệp viễn thông; triển khai công nghệ 5G đòi hỏi số trạm BTS nhiều hơn. Việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và đặc biệt cần có quy định của Bộ TT-TT về việc dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Trong trường hợp tỉnh Đắk Lắk có chủ trương triển khai 5G trên địa bàn, Cục Viễn thông đề nghị Sở TT-TT làm việc với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn để xây dựng phương án đề xuất cụ thể, báo cáo Bộ để phối hợp cùng UBND tỉnh xem xét. Căn cứ đề xuất của các doanh nghiệp về nội dung này, Bộ sẽ xem xét cấp phép triển khai phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật hiện hành.