Góc nhìn từ Philippines: Đừng ghen tỵ với thành công kinh tế của Việt Nam
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:30, 28/12/2020
Lần cuối cùng tôi đến Việt Nam là hơn một thập kỷ trước. Giống như ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, điều đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi là sự năng động của các doanh nghiệp và nhiều màu sắc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Đã có (và, tôi đoán, vẫn còn) những con phố hay ngõ ở Hà Nội, thủ đô Việt Nam, nơi mà người dân sống ở đó chuyên kinh doanh hoặc sản xuất thủ công một số ngành nghề nhất định - những con phố được đặt tên (ít nhất là bằng tiếng Anh) gắn với mặt hàng buôn bán hoặc sản xuất thủ công nổi bật nhất ở đó, chẳng hạn như phố Lò rèn chuyên nghề kim loại.
Chúng tôi từng ghé vào một khách sạn nhỏ nằm ở giữa một con phố như vậy vào một buổi tối và quá mệt mỏi để đi ra ngoài vào đêm hôm đó. Sau bữa sáng hôm sau, chúng tôi bước ra khỏi khách sạn và ngay lập tức ngợp mắt bởi nhiều phiến đá mài nhẵn có khắc những bức ảnh và dòng chữ Việt Nam. Vâng, hóa ra đây thực sự là phố bán bia mộ, và các phòng của chúng tôi nằm trên phía trên các cửa hàng chuyên bia mộ (ND: Có thể là phố Hàng Mắm). Chúng tôi đã trải qua một khoảng thời gian tuyệt vời nhất ở Việt Nam, tận hưởng lịch sử phong phú cũng như vẻ đẹp và kỳ quan thiên nhiên.
Chà, hơn một thập kỷ trôi thật nhanh và theo báo cáo của nhiều hãng thông tấn và xếp hạng quốc tế, Việt Nam đã lọt vào nhóm có quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khoảng giữa trong số 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải dài với tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới và áp dụng các mô hình kinh tế tương đối cởi mở và hướng ngoại, Việt Nam đã được hưởng lợi rất nhiều từ đầu tư nước ngoài và thương mại toàn cầu, biến họ trở thành những con Rồng và Con hổ của châu Á (một số người nói là của thế giới) với GDP ngày càng cao và tốc độ tăng trưởng khiến nhiều nền kinh tế đang phát triển khác phải ghen tị và đôi khi cả những nền kinh tế phát triển nhưng đang chững lại cũng cảm thấy thế.
Phải thừa nhận rằng ASEAN đã quyết định mở rộng phạm vi và chào đón các thành viên mới - Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, được gọi chung là CLMV vào những năm 1990 với sự thận trọng nhất định do thể chế, hệ tư tưởng chính trị khác hẳn với các quốc gia thành viên ASEAN ban đầu. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc nhưng tàn dư của tâm lý Chiến tranh Lạnh vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người ở đây đó trên thế giới. Vì vậy, các quốc gia thành viên ASEAN “cũ” và “mới” phải làm việc tích cực để hòa hợp với nhau.
Và sau đó là những lo ngại về kinh tế. Sau Chiến tranh Lạnh, ASEAN đang chuyển mình từ một tổ chức khu vực có định hướng chiến lược sang thành một tổ chức tập trung hơn về kinh tế. Nhiều loại hình hợp tác kinh tế khác nhau và các chế độ thương mại tự do đã được thảo luận và thương lượng. Do đó, các quốc gia thành viên mới của ASEAN đã đưa ra những thách thức phần nào không lường trước được đối với một ASEAN cũ gồm các quốc gia thành viên “gốc” vốn nằm trong nhóm thu nhập trung bình đến trung bình cao.
Mặt khác, các quốc gia thành viên “cũ” có phần lo lắng rằng, trên tinh thần đoàn kết mới hình thành, họ phải chi thêm bao nhiêu viện trợ (mặc dù ASEAN không có nghĩa vụ chính thức như vậy) cho các nước CLMV nhằm cải thiện tình hình kinh tế. Vì nếu các nền kinh tế CLMV sụt giảm về quy mô và tốc độ tăng trưởng, điều đó sẽ không có lợi cho sự ổn định chính trị và kinh tế xã hội của cả ASEAN. Mặt khác, nhiều quốc gia CLMV cũng mệt mỏi về việc đột ngột tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại tự do, sẽ loại bỏ các chính sách bảo hộ kinh tế trong nước mà họ coi là quan trọng để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp và doanh nghiệp nội địa non trẻ của họ.
Nhưng, bằng cách nào đó, trong một phần tư thế kỷ qua, các quốc gia thành viên ASEAN, cũ và mới, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế khác nhau và phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây. Không chỉ ký kết các hiệp định tự do thương mại cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất cho toàn khối ASEAN, mà gần đây, toàn khối tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Do đó, thật là nhẹ nhõm và thực sự rất vui khi Việt Nam được chào đón vào nhóm không chính thức các quốc gia thành viên ASEAN với GDP “cỡ trung bình” khoảng 350 tỉ USD; cùng những nước khác gồm Malaysia, Singapore và Philippines. Trên thực tế, dưới đám mây đen của đại dịch coronavirus vẫn đang hoành hành, Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN duy nhất được dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay. Đã qua rồi cái thời của những thuyền nhân Việt Nam cố gắng đến bờ nhiều nước láng giềng châu Á để tìm kiếm kế sinh nhai tốt hơn vào cuối những năm 1990. Nhiều con cháu của họ ngày nay tìm cách quay lại Việt Nam để tham gia vào nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Với tư cách là các nước láng giềng, chúng ta không nên bất mãn với thành công kinh tế có phần thần kỳ của Việt Nam trong vòng vài thập kỷ gần giống như cách chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong những năm trước đó. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự cần cù và tinh thần kinh doanh của người dân Việt Nam, những người mà theo tôi là khiêm tốn, họ xứng đáng với từng thành quả của thành công hiện tại. Tôi được biết từ các nhà đầu tư nước ngoài rằng quốc gia này ban hành một số chính sách thân thiện
nhất trong khu vực dành cho nhà đầu tư, trở thành lựa chọn gần như hàng đầu trong khu vực đối với nhà đầu tư khi họ đưa ra quyết định thành lập hoặc di dời địa điểm sản xuất. Tất nhiên, vẫn còn nhiều thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với một phần lớn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là mạng lưới cơ sở hạ tầng và chuỗi logistic cần được trang bị tốt hơn. Nhưng là hàng xóm, chúng ta nên học hỏi từ nhau và cùng nhau tiếp tục thịnh vượng một cách hòa bình.