Bảo hiểm y tế thông tuyến tỉnh, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện chống quá tải

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:01, 22/12/2020

Để chuẩn bị cho việc thông tuyến bảo hiểm y tế đến tuyến tỉnh, Bộ Y tế đã có động thái nhằm kìm hãm lượng bệnh nhân có thể từ tuyến dưới kéo lên tuyến trên điều trị, cũng như đưa ra giải pháp giúp các bệnh viện tuyến trên không bị quá tải.

Sẽ “siết”chặt điều trị nội trú

Kể từ ngày 1.1.2021, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

bao-hiem-y-te-thong-tuyen-tinh-bo-y-te-chi-dao-cac-benh-vien-chong-qua-tai-hinh-anh(1).png
Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quá tải tại một cơ sở y tế ở TP.HCM- Ảnh: PV

Điều này khiến nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM và Hà Nội lo ngại bệnh nhân tập trung đến khám và điều trị tăng cao khiến bệnh viện vốn đã quá tải sẽ rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng hơn. Nhiều bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đang quá tải như: Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 1…đang lo ngại bệnh nhân từ tuyến dưới, nhất là từ các tỉnh, thành lân cận ùn ùn kéo sẽ không biết xử lý thế nào.

Không ít lãnh đạo bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đang lo lắng và hồi hộp chờ đợi sau ngày 1.1.2021 để xem tình trạng bệnh nhân tăng đến mức nào mới có giải pháp xử lý.

Trước tình hình đó, ngày 21.12 vừa qua, Bộ Y tế đã ra chỉ thị yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành, thủ trưởng y tế các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Để tránh tình trạng quá tải trong trường hợp bệnh nhân trái tuyến từ nhiều nơi khác đến, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện “siết” điều trị nội trú. Trong đó, các bệnh viện tập trung xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện trang thiết bị và nhân lực của bệnh viện tối thiểu 80% các mã bệnh phổ biến mà bệnh viện đang khám chữa bệnh, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thật sự cần thiết.

Đồng thời, các bệnh viện tổ chức đặt lịch hẹn khám đối với người khám, chữa bệnh qua hình thức điện thoại, qua trang tin điện tử của bệnh viện, hoặc các phần mềm kết nối với bệnh viện để đảm bảo phục vụ chất lượng, hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi, giảm quá tải; tăng cường vai trò của Hội đồng chuyên môn thuốc và điều trị trong việc xây dựng hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị, giám sát các hoạt động chuyên môn, kiểm soát các chỉ định nhập viện nội trú.

Đặc biệt, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyển một số bệnh mạn tính ở thể trung bình và nhẹ về tuyến huyện và xã quản lý. Trong khi đó, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã phải thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, chú ý tập trung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế và giảm thiểu tình trạng người bệnh đi khám, chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế các địa phương rà soát, quy định cụ thể tuyến của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, chú trọng kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú; chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định; tăng cường công tác thông tin, công khai năng lực chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Cho phép bệnh viện tăng cường giường bệnh

Ngoài việc phối hợp giữa khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng trong việc tiếp nhận người bệnh điều trị nội trú đảm bảo yêu cầu chuyên môn, chất lượng an toàn người bệnh, Bộ Y tế cũng cho phép các bệnh viện tăng số giường thực tế so với số giường kế hoạch được phê duyệt.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện xây dựng và trình cấp thẩm quyền xây dựng và trình cấp thẩm quyền quyết định số giường nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở.

Các bệnh viện có thể tăng số giường thực kê so với số giường kế hoạch được phê duyệt nhằm giảm tình trạng nằm ghép, quá tải. Để tăng số giường trên, các bệnh viện phải bổ sung nhân lực kịp thời.

Song song đó, các bệnh viện chủ động báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp để đề xuất giải pháp phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh khác khi có tình trạng quá tải; thực hiện hình thức chuyển người bệnh về tuyến dưới khi tình trạng người bệnh ổn…

Nhận định về tình hình sau khi bảo hiểm y tế thông đến tuyến tỉnh sẽ đẩy một lượng lớn bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến tỉnh, nhất là đến các bệnh viện tuyến cuối điều trị khiến các bệnh viện này quá tải, ông Phan Văn Mến- Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng, chắc chắn sẽ có phát sinh bệnh nhân ở tuyến dưới và các tỉnh thành khác đến các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM khám chữa bệnh nhưng các bệnh viện ở TP sẽ đáp ứng đủ.

“Không phải tự nhiên ai cũng muốn lên TP hay tuyến trên điều trị đâu. Thật ra hiện nay, nay chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, nhất là ở các tỉnh đã vươn lên rất tốt. Ở các tỉnh có ít bệnh viện hơn so với TP.HCM nhưng trang thiết bị y tế, điều kiện vật chất cũng rất ổn. Chủ trương của tỉnh ủy, UBND các tỉnh đối với các bệnh viện tuyến tỉnh là phải đảm bảo điều kiện cần thiết, và tốt nhất để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương”, ông Mến chia sẻ.

Hồ Quang