Nguyên liệu phế thải: Xu thế mới trong tương lai nhưng vẫn bị lệ thuộc

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:49, 08/08/2016

Nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng mỗi năm song hoạt động tái chế chưa hiệu quả, còn phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là thiết bị và công nghệ.
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, cứ 24 giờ trôi qua, cả nước lại phát sinh ra 31.600 tấn chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và 14.200 tấn ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom ở khu vực thành thị mới đạt khoảng 80%, còn ở khu vực nông thôn là dưới 50%.

Thống kế còn nêu rõ, toàn quốc có 660 bãi chôn lấp chất thải, trong đó chỉ có 35 dây chuyền xử lý chất thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất 6.500 tấn/ngày, chủ yếu sản xuất ra phân vi sinh… Cả Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Xây dựng đều dự báo, đến năm 2025, tổng khối lượng chất thải rắn trên cả nước lên tới 91 triệu tấn, nghĩa là mỗi năm, trung bình mỗi người sẽ thải ra khoảng 1 tấn chất thải rắn.

Trên thực tế cho thấy hiểm họa khi chất thải không được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường dần trở thành vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, cũng đồng nghĩa với việc con người cũng đang lãng phí nguồn tài nguyên không nhỏ từ rác.

Giải thích cho điều này, PGS.TS Huỳnh Trung Hải (Trưởng phòng KHCN, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng hàng năm từ 10-20%. Tuy nhiên, hoạt động tái chế chủ yếu của Việt Nam gần như không có sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đại đa số các thiết bị, máy móc và hóa chất đều là tự chế tạo (không phải hàng loạt), hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, không hoặc rất khó kiểm soát, dẫn đến sự phụ thuộc nước ngoài.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp tái chế là điều đáng phải quan tâm hơn cả khi những doanh nghiệp này (bao gồm cả những doanh nghiệp chính quy và không chính quy) vẫn chưa nhận được sự được hỗ trợ bởi một khung pháp lý phù hợp. Trong khi đó, những vấn đề liên quan tới giám sát sản xuất, dịch vụ cung cấp, hay các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên mọi phương diện vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Sản phẩm xà phòng đen thân thiện với môi trường tận dụng từ vỏ trấu của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Trái với Việt Nam, ngành tái chế phế liệu ở Mỹ mỗi năm đem về doanh thu trên 90 tỉ USD. Nó không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Ngành tái chế phế liệu phát triển sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác như: giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh…

Ở các nước phát triển, hiệp hội của những doanh nghiệp chuyên về thu gom và phân loại phế liệu hoạt động rất chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp này cung cấp rất ổn định nguồn nguyên liệu phế liệu cho thị trường thế giới. Thu gom và tái chế phế liệu là ngành rất phát triển ở các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc... Ngành này luôn đem lại doanh thu và lợi nhuận cao bất kể tình hình kinh tế tăng hay giảm.

Đầu năm 2016, một nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu làm những mẻ xà phòng đen đầu tiên nhờ chế tạo thành công than hoạt tính chất lượng cao từ vỏ trấu. Trong quá trình chế tạo, nhóm nhận thấy một sản phẩm phụ là nước thủy tinh có chứa Na2SiO3, đây là chất có tác dụng ổn định bọt và đóng rắn nhanh cho xà phòng. Thay vì sản xuất ra xà phòng thông thường, nhóm sinh viên mạnh dạn cho thêm những hương liệu như bột trà xanh, bột nghệ, tinh dầu bạc hà... vừa tạo mùi thơm dễ chịu vừa có tác dụng trị mụn và chống lão hóa da.

Rõ ràng, không thể phủ nhận được rằng ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn. Nhưng đáng tiếc là nhiều thiết bị, máy móc, dây chuyền tái chế của Việt Nam hiện còn lạc hậu dẫn đến hiệu quả không cao, hoạt động tái chế lại không có sự tham gia của ngành công nghiệp phụ trợ.

Đề xuất hướng đi cho ngành công nghiệp tái chế, ông Hải cho rằng trong thời gian tới cần tập trung phát triển các doanh nghiệp tái chế lớn, dịch chuyển dần theo hướng chính quy hóa các cơ sở quy mô vừa và nhỏ, ưu tiên liên kết các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu nhằm khai thác thế mạnh của từng bên với sự giám sát, hỗ trợ của Nhà nước.

Thu Anh