Hóa thạch trăn lâu đời nhất thế giới được khai quật ở Đức

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:00, 20/08/2020

Các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch của con trăn sống cách đây 48 triệu năm ở vùng đất nay là nước Đức. Hóa thạch cho thấy loài trăn này tiến hóa ở châu Âu.
hoa-thach1.jpg
Hóa thạch đầu tiên của loài trăn Messelopython freyi mới được tìm thấy - Ảnh: Viện Senckenberg

Được tìm thấy gần một hồ nước cổ, xác con trăn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc của loài trăn. Trước đây, giới nghiên cứu chưa thể xác định rõ trăn đến từ các lục địa ở Nam bán cầu, nơi chúng sinh sống ngày nay, hay Bắc bán cầu, nơi họ hàng gần nhất của chúng (rắn ánh kim Đông Nam Á và trăn đào hang Mexico) được tìm thấy. Nhưng loài mới phát hiện này - được đặt tên là Messelopython freyi (M. freyi) - cho thấy trăn đã tiến hóa ở châu Âu.

Đồng tác giả nghiên cứu Krister Smith, nhà cổ sinh vật học tại Viện nghiên cứu Senckenberg ở Frankfurt, Đức, nói với Live Science: “Cho đến nay, chưa có hóa thạch cổ đại nào giúp xác định nguồn gốc của trăn ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Hóa thạch mới mà chúng tôi phát hiện là mẫu vật lâu đời nhất về loài trăn và phù hợp với giả thuyết về nguồn gốc của chúng ở Bắc bán cầu”.

Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch M. freyi tại miệng hố Messel, gần Frankfurt, Đức. Địa điểm này trước đây là một mỏ đá phiến dầu nhưng gần như trở thành bãi rác vào những năm 1970. Nhưng sau đó, khu vực này đã trở nên nổi tiếng với những hóa thạch có niên đại từ thế Thủy Tân (dao động từ 57 đến 36 triệu năm trước). Vì vậy, vào năm 1995, nơi này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các hóa thạch được khai quật ở đó bao gồm một con ngựa mang thai, rùa đang giao phối và bọ cánh cứng lấp lánh.

hoa-thach22.jpg
Hình ảnh hộp sọ của một trong những hóa thạch trăn M. freyi - Ảnh: Viện Senckenberg

Các nhà nghiên cứu cho biết M. freyi có kích thước tương đương với những con trăn nhỏ ngày nay, dài gần 1 mét và có khoảng 275 đốt sống. Trên thực tế, khám phá cho thấy loài trăn châu Âu cổ đại sống cùng với những con trăn siết mồi. Đây là một phát hiện đáng kinh ngạc về nguồn gốc loài trăn khác hẳn thời hiện đại. Ngày nay, trăn siết mồi sống ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Madagascar và bắc châu Đại Dương, trong khi trăn sống ở châu Phi, Đông Nam Á và Australia.

“Đây là một trong những khía cạnh thú vị và hấp dẫn nhất trong việc khám phá ra M. freyi”, Hussam Zaher, giáo sư tại Bảo tàng Động vật học thuộc Đại học São Paulo, Brazil, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã biết rằng trăn siết mồi sống ở châu Âu trong thời kỳ đầu của kỷ Cổ Cận, kéo dài từ 66 triệu đến 23 triệu năm trước. Nghiên cứu mới cho thấy những con trăn cũng sống ở đó. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi hai loài trăn đối thủ có chung phương thức săn mồi cùng tồn tại như thế nào.

Theo giáo sư Zaher, câu hỏi này có thể được giải đáp bằng các hóa thạch trăn và trăn siết mồi cổ đại, đặc biệt là những hóa thạch có dạ dày được bảo quản. Ngoài ra, manh mối có thể được tìm thấy ở miền nam Florida, nơi các loài trăn (Python molurus bivittatus và P. sebae) và trăn siết mồi (Boa constrictor) cùng tồn tại như những loài xâm lấn.

“Vẫn chưa rõ liệu hai loài trăn sống ở Florida đang cạnh tranh tài nguyên hay có thể chúng săn những con mồi khác nhau. Một tình huống tương tự có thể đã xảy ra ở châu Âu trong thế Thủy Tân”, Zaher nói.

Nghiên cứu này được công bố hôm 16.12 trên tạp chí Biology Letters.

Long Hải