Những nỗi lo khi quân đội Trung Quốc vội vã hiện đại hóa

Hồ sơ - Ngày đăng : 12:23, 16/12/2020

Chuyên gia Joel Wuthnow thuộc Trường Quốc phòng Quốc gia (National Defense University) của Mỹ vừa có bài viết nhận định về việc quân đội Trung Quốc vội vã hiện đại hóa

Hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu trước khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào tháng 11.2012. Nhưng tốc độ và phạm vi của nỗ lực đó đã tăng rất nhanh dưới thời ông Tập. Những thay đổi cơ bản bao gồm việc triển khai vũ khí và thiết bị tiên tiến; cải cách cơ cấu để biến quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng hiệu quả hơn; thực hiện chiến dịch nhằm loại bỏ tận gốc tham nhũng và cải thiện khả năng kiểm soát của ông Tập.

PLA từng là một lực lượng được trang bị kém, chỉ biết dùng chiến thuật du kích hay cậy số đông để tìm chiến thắng. Chủ tịch Đặng Tiểu Bình trước đây chỉ tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đã đẩy quân đội xuống vị trí cuối cùng trong 'bốn hiện đại hóa'. Phải từ thời Giang Trạch Dân (1989–2004), PLA mới trở mình sang tư thế chuẩn bị sẵn sàng cho ‘chiến tranh cục bộ’ chống lại các đối thủ trong khu vực. Điều này thể hiện qua nhu cầu lớn hơn về số lượng và yêu cầu chất lượng của lực lượng không quân và hải quân cũng như mở rộng lực lượng tên lửa, kèm theo những thay đổi trong đào tạo, học thuyết, tuyển dụng và huấn luyện.

Ảnh hưởng chính trị hạn chế của Giang và người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào (2004–2012) đối với quân đội đồng nghĩa với việc PLA có thể chống lại một số khía cạnh của cải cách. Một vấn đề của PLA là các sĩ quan lực lượng lục quân giữ hầu hết các vị trí cấp cao còn các binh chủng khác không được cơ cấu lên hàng lãnh đạo cao nhất. Một vấn đề khác là các cơ quan chức năng đã không thể kiềm chế tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng trong PLA. Đây là hậu quả của việc Đặng trao quyền tự quyết quá nhiều cho PLA để đổi lấy việc họ sẵn sàng chấp nhận ngân sách thấp trong những năm 1980.

Sự xuất hiện của ông Tập báo trước việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và giải pháp cho các vấn đề đã làm khó những người tiền nhiệm của ông. Một loạt hệ thống vũ khí chiến lược đã được đưa vào hoạt động dưới thời ông Tập, gồm tàu ​​sân bay Sơn Đông, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type-055, máy bay chiến đấu tàng hình J-20, máy bay vận tải tầm xa Y-20, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và tên lửa đạn đạo DF-17.

Thông qua sự hợp tác mạnh mẽ hơn với cộng đồng khoa học và công nghệ dân sự, PLA cũng chú trọng nhiều hơn vào các khả năng mới: trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và dữ liệu lớn. Điều này phản ánh sự thay đổi đối với những gì PLA gọi là 'thông minh hóa' của chiến tranh hiện đại.

Rõ ràng khả năng vận dụng chiêu thức chính trị được toan tính kỹ của ông Tập đã thúc đẩy các thay đổi về tổ chức mà tiền nhiệm Giang và Hồ đã không thể thực hiện. Ngay từ đầu, ông Tập đã hiện diện rõ ràng hơn nhiều trong PLA, thường xuyên đến thăm các đơn vị và có bài phát biểu giáo huấn dành cho quân đội. Ông cũng can thiệp vào việc thăng chức xuống cấp tư lệnh quân đoàn, đảm bảo rằng những người do ông tin cậy sẽ chiếm các vị trí chủ chốt.

Một phần quan trọng trong chiến lược chính trị của ông Tập là mở rộng chiến dịch chống tham nhũng đã bắt đầu dưới thời ông Hồ, thanh trừng hàng ngàn quan chức trong quân đội.

Ông Tập đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy những thay đổi gây tranh cãi mà cuối cùng mang lại lợi ích cho hiệu quả hoạt động của PLA. Hệ thống chỉ huy cấp cao vốn theo mô hình quân đội Liên Xô những năm 1950 đã được thay thế bằng một cấu trúc hiện đại giống hệ thống chỉ huy chung của Mỹ hiện nay. Một Bộ Tham mưu Liên hợp giám sát năm Bộ tư lệnh các khu vực, mỗi bộ có quyền lập kế hoạch, huấn luyện và tiến hành các hoạt động phù hợp với các nhiệm vụ cụ thể của khu vực. Chẳng hạn, Bộ Tư lệnh miền Đông xử lý các hoạt động đối phó Đài Loan, trong khi Bộ Tư lệnh miền Nam giám sát tình hình Biển Đông.

Ngoài ra, việc tạo ra hai lực lượng hỗ trợ đã bổ sung cho những sắp xếp mới này. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược giúp PLA thêm sức mạnh trên các đấu trường không gian, mạng, tác chiến điện tử và chiến tranh tâm lý. Sự phát triển này mang lại cho PLA một công cụ mạnh mẽ để theo đuổi các hoạt động trong lĩnh vực thông tin. Còn Lực lượng Hỗ trợ Hậu cần Liên hợp mới đã tạo ra một cấu trúc tập trung và hiệu quả hơn để hậu thuẫn cho các tư lệnh.

Ngoài ra còn có một loạt các thay đổi cấp cơ sở, gồm việc chuyển đổi các sư đoàn lục quân và không quân sang các lữ đoàn, được thiết kế để tăng khả năng cơ động và khả năng tương tác của PLA. Từ năm 2015–2019, PLA chú trọng hướng phát triển chiều sâu. Các cuộc tập trận quy mô lớn đã bị hoãn lại để PLA tập trung vào việc đưa hệ thống mới phù hợp và Trung Quốc thận trọng trong việc kích động các sự cố nguy hiểm với các nước láng giềng (nhưng đến 2020 khi căng thẳng với Mỹ dâng cao thì Trung Quốc lại chủ trương tập trận nhiều hơn kết hợp với việc khoe vũ khí mới).

Vào năm 2020, các quan chức Trung Quốc đã vạch lộ trình đến năm 2027 - kỷ niệm 100  năm thành lập PLA - Trung Quốc sẽ triển khai một "quân đội hiện đại hoàn toàn". Đó là thời điểm Trung Quốc dự định khoe các khí tài mới gồm tàu sân bay đóng mới, máy bay ném bom tầm xa được thiết kế lại.

Tất cả điều này ngầm thể hiện rằng sự tự tin ngày càng tăng của PLA trong việc triển khai hoạt động xa nhà. Nhưng điều này cũng làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dễ phiêu lưu vào các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ. Độ chịu chơi của Trung Quốc sẽ không chỉ phụ thuộc vào bước tiến của PLA mà còn phụ thuộc vào cả độ chịu chơi của Mỹ và quyết tâm của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc.

Anh Tú