Úc thất bại khi phát triển vắc xin COVID-19 do vấn đề gây dương tính HIV giả
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:00, 12/12/2020
Theo Bộ trưởng Y tế Úc - Greg Hunt, vắc xin sử dụng một lượng nhỏ protein HIV làm “kẹp phân tử” (molecular clamp) để tăng tính đáp ứng miễn dịch của protein tái tổ hợp của vi rút gây COVID-19. Dữ liệu cho thấy kháng thể tạo ra ảnh hưởng đến chẩn đoán HIV và dẫn đến kết quả xét nghiệm dương tính HIV trong vài trường hợp.
Dù sản phẩm bước đầu chứng minh được hiệu quả ngừa COVID-19 cũng như không tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HIV, giới chức y tế vẫn quyết định dừng nỗ lực phát triển do lo ngại vắc xin này làm giảm niềm tin của người dân với việc tiêm chủng.
Thủ tướng Scott Morrison cũng thông báo hủy kế hoạch mua hàng triệu liều vắc xin của Đại học Queensland, thay vào đó sẽ tăng lượng hàng mua từ AstraZeneca và Novax.
Tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, số ca nhiễm mới trong ngày ít dần tạo điều kiện cho chính quyền Canberra áp dụng cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong vấn đề vắc xin. Úc đạt thỏa thuận mua sản phẩm từ nhiều đơn vị cung cấp khác nhau: 34 triệu liều từ AstraZeneca, 40 triệu từ Novavax, 10 triệu từ Pfizer, 51 triệu từ CSL.
Dự kiến 3,8 triệu liều vắc xin đầu tiên cung cấp bởi AstraZeneca được phân phối trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.
Hạn chế của công nghệ vắc xin truyền thống
Cách điều chế truyền thống (tạo ra kháng nguyên giống vi rút cần ngăn ngừa) có quy trình phức tạp, cần nhiều bước nhân nuôi giá thể cũng như cần tinh chế, tạo cấu trúc protein mong muốn. Hơn nữa, do chỉ là cấu trúc protein tái tổ hợp nên vắc xin điều chế bằng cách này đáp ứng miễn dịch tế bào kém và cần có thêm các kỹ thuật hay chất bổ trợ giúp tăng cường tính sinh miễn dịch.
“Kẹp phân tử” protein HIV chính là một trong những chất bổ trợ. Giáo sư Paul Young thuộc Đại học Queensland khẳng định protein HIV hoàn toàn vô hại.