Dòng tiền tăng mạnh, thị trường chứng khoán năm 2021 sáng sủa
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:00, 06/12/2020
Dòng tiền mới ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam được chia thành 2 giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn thứ nhất là thời điểm từ cuối tháng 2 đến tháng 3, VN-Index sụt giảm “sốc” từ mốc 990 điểm xuống 650 điểm, do chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4, thị trường chứng khoán bước sang giai đoạn mới khi dòng tiền từ nhiều kênh đầu tư khác liên tục đổ vào thị trường. Điều này giúp chỉ số chứng khoán phục hồi và nhanh chóng lấy lại mức điểm đã mất.
Theo đó, khép lại tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt nhiều con số ấn tượng khi chỉ số VN-Index đã chinh phục thành công mốc 1.000 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng lên 147,7 điểm.
Gần đây nhất, chốt phiên 4.12, VN-Index đứng ở mức hơn 1.021 điểm, tăng hơn 98 điểm (10,5%) so với cuối tháng 10, tăng gần 364 điểm (55%) so với thời điểm chứng khoán lao dốc vào cuối tháng 3.
Việc dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán đã khiến thanh khoản thị trường trong tháng 11 hết sức tích cực. Giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn HOSE và HNX đạt khoảng 9.675 tỉ đồng/phiên. Trong đó, thanh khoản về cuối tháng 11 đều vượt trên mức 10.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 11, theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 41.000 tài khoản, tăng 13% so với tháng trước. Đây cũng là con số kỷ lục, vượt qua cả mức 40.500 tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 3 năm 2018, một tháng trước khi VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.200 điểm.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 11, thị trường chứng khoán có gần 329.500 tài khoản cá nhân trong nước được mở mới, cao hơn 75% năm trước. Trong đó, chỉ riêng từ tháng 3 tới nay (thời điểm dịch COVID-19 bùng phát), số lượng tài khoản mở mới đã lên tới 302.000.
Cùng lũy kế đến hết tháng 11, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,71 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự gia tăng kỷ lục của các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là "nhà đầu tư F0" đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh trong bối cảnh khối ngoại không ngừng bán ròng trong nhiều tháng qua.
Nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán 2021
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây đến từ 5 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là thành công của Việt Nam trong việc chống đỡ làn sóng COVID-19 mà không làm tê liệt hoạt động kinh tế của cả nước, cùng với kỳ vọng Việt Nam từng bước mở cửa biên giới trở lại.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất giảm mạnh, trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản… không thực sự hấp dẫn. Thứ ba là chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.
Thứ tư là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua, cùng với kỳ vọng vào khả năng thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Thứ năm là kỳ vọng vào hiệu quả của các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ, bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, giảm thuế.
Những nguyên nhân này vẫn sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường trong năm 2021 khi mà kinh tế Việt Nam được hầu hết các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như WB, IMF, ADB… dự báo sẽ tăng trưởng cao (phổ biến trong khoảng 6,5 - 7%).
Ông Đức Anh cho rằng việc kinh tế tăng trưởng cùng với lạm phát được kiểm soát, tỷ giá ổn định sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô thuận lợi kết hợp với nền lợi nhuận thấp trong năm nay bởi tác động của COVID-19 sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao trong năm sau.
“Vùng giá hiện tại của chỉ số VN-Index chưa cao so với dữ liệu lịch sử, qua đó tôi duy trì quan điểm tích cực với thị trường chứng khoán. Dù vậy, thị trường năm 2021 có thể sẽ có những diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất đại trà và dịch bệnh chính thức bị đẩy lùi; các chính sách mới của Tổng thống Mỹ, đặc biệt liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và quan hệ với Việt Nam; tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới; biến động dòng vốn toàn cầu hay khả năng nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng…”, ông Đức Anh nói.
Chuyên gia này cũng dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt xu hướng tăng trưởng của thị trường chung trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau. Một số ngành có động lực tăng trưởng riêng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm sau; còn ngành hàng không và bất động sản thì cơ hội sẽ xuất hiện muộn hơn.