Điều bất thường quanh bức ảnh gây bão quan hệ Úc - Trung
Quốc tế - Ngày đăng : 08:40, 05/12/2020
Người đăng tải bức ảnh minh họa lên Twitter là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Thủ tướng Úc Scott Morrison chỉ trích bức ảnh sai sự thật và yêu cầu Trung Quốc xin lỗi. Twitter đã cho ẩn hình kèm theo nhãn cảnh báo “nội dung nhạy cảm”.
Công ty mạng Cyabra của Israel tìm ra bằng chứng về một chiến dịch lan truyền bức ảnh gây tranh cãi trên. Họ xác định 57,5% số tài khoản tương tác với dòng tweet phát ngôn viên Triệu đăng tải là giả.
Phân tích 1.344 tài khoản, Cyabra phát hiện nhiều tài khoản mới được tạo ra vào tháng 11 và chỉ dùng 1 lần đó là đăng lại ảnh binh sĩ Úc kề dao vào cổ bé gái Afghanistan.
Nhà nghiên cứu Tim Graham thuộc đại học Công nghệ Queensland phân tích 10.000 bình luận dòng tweet. Ông ghi nhận vài điều sau: hoạt động tích cực nhất là tài khoản Trung Quốc, 8% số bình luận là từ tài khoản tạo ra trong ngày người phát ngôn Triệu đăng ảnh (30.11) hoặc trong vòng 24 tiếng trước đó, bình luận chứa từ ngữ trùng lặp, một số tài khoản chuyên nhắm vào Úc từ tháng 6 đến nay.
“Nếu không nói về trẻ em Afghanistan thì số tài khoản khả nghi nhắc đến Hồng Kông. Những điểm bất thường đủ để cho thấy đây là một chiến dịch phát tán thông tin”, theo nhà nghiên cứu Graham.
Học giả Ariel Bogle thuộc Viện nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc cũng nhận thấy điều bất thường xung quanh số tài khoản đăng lại hoặc thích bức ảnh gây tranh cãi: nhiều tài khoản mới tạo ra trong ngày 30.11 hoặc 1.12, chỉ theo dõi phát ngôn viên Triệu cùng vài tài khoản Twitter khác.
Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì. Phía Twitter tuyên bố vẫn luôn cảnh giác trước thông tin nhạy cảm, nhưng đánh giá rằng phát hiện của Cyabra không cần phải xem xét kỹ lưỡng.