Nguyễn Thị Diệp: 'Nếu mẹ hiến gan nữa, cả nhà chẳng còn ai khỏe mạnh'
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:00, 29/11/2020
Ca ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là ca ghép lịch sử thực hiện tại Viện Bỏng quốc gia. Ê-kíp y bác sĩ tham gia ca ghép đến từ Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia Nhật Bản...
Diệp bị teo đường mật bẩm sinh, đã qua phẫu thuật nối đường mật với ruột từ lúc 3 tuổi. Đến năm 9 tuổi, em bị xơ gan, chảy máu và được nhận gan từ bố.
Năm 2004, Nguyễn Thị Diệp thu hút sự chú ý của cộng đồng khi là ca ghép gan đầu tiên thành công tại Việt Nam. Sau ca ghép, sức khỏe của Diệp dần ổn định. Cô quay trở lại với cuộc sống bình thường, đi học, trưởng thành và có việc làm ổn định. Song 1 năm, sức khỏe của Diệp có vấn đề. Cô liên tục mệt mỏi, sút cân, có những đợt thải ghép mãn tính mạnh khiến chức năng gan bị ảnh hưởng, tăng men gan... Diệp đối mặt với nguy cơ tái ghép gan để tiếp tục cuộc sống.
Diệp trông chờ vào việc ghép tạng lần 2, hy vọng được khỏe như trước. Thế nhưng, mong ước đó đã không thành hiện thực.
Được cho về nhà để chuẩn bị cho đợt điều trị tiếp theo nhưng sức khỏe của Diệp yếu dần. Rạng sáng 29.11, Diệp đã ra đi ở tuổi 26 tại quê nhà.
Sáng 29.11, tài khoản Facebook Nguyễn Diệp phủ một màu đen. Tên thay thế của tài khoản này cũng được ghi “tưởng nhớ”, khiến không ít người bàng hoàng.
Người thân và bạn bè của Diệp gửi lời chia buồn, tạm biệt tới chiến binh dũng cảm. “Vậy là kỳ tích đã không đến với gia đình mình một lần nữa! Em yên nghỉ nhé!”, một người thân của Diệp viết trên Facebook
Sau 17 năm sống cùng lá gan của người cha, phép màu đã không tới với Nguyễn Thị Diệp. Cô ra đi vào rạng sáng 29.11, ít ngày trước khi bước vào đợt điều trị tiếp theo, chờ được ghép tạng lần hai.
Một trong những hình ảnh cuối cùng của Nguyễn Thị Diệp. Ảnh: Facebook nhân vật. |
16 giờ cân não cho ca phẫu thuật lịch sử
Vừa chào đời, Diệp đã bị teo đường mật bẩm sinh. Cô bé phải trải qua ca phẫu thuật nối đường mật với ruột (Kazai) vào năm 3 tuổi. Lên 9 tuổi, bệnh tình của em chuyển biến xấu. Diệp buộc phải dừng việc học, lên Hà Nội điều trị. Cha mẹ Diệp không có thu nhập ổn định, khó khăn chồng chất. Họ làm mọi việc để kiếm tiền trang trải và lo viện phí cho con gái.
Ban đầu, em được nhận gan từ một trong hai người cho là ông nội hoặc cha. Cuối cùng, lá gan phù hợp là của cha. Để tiến hành ca phẫu thuật, các y bác sĩ của Học viện Quân y 103 đã phải chuẩn bị trong 5 năm. Nhiều chuyên gia được cử đi nước ngoài học về kỹ thuật ghép gan, miễn dịch, huyết học... Nhiều bệnh viện trong nước cử y, bác sĩ ra nước ngoài học hỏi, theo dõi, quan sát ca ghép gan lịch sử.
Sáng 31.1.2004, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam cho bệnh nhi Nguyễn Thị Diệp được tiến hành tại khoa Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y 103. Ca phẫu thuật được sự giúp đỡ của bác sĩ người Nhật Masatoshi Makuuchi cùng ê-kíp 12-14 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam tại Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 16 giờ cân não, Nguyễn Thị Diệp đã được hồi sinh. Chi phí của ca ghép gan này là 2,6 tỉ đồng. Người chỉ huy kíp mổ lịch sử năm đó là GS.TS Lê Thế Trung.
Nhiều năm đã qua, giáo sư, tiến sĩ thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, vẫn không quên giây phút bước vào ca phẫu thuật lịch sử. Để chuẩn bị cho ngày mổ, toàn bộ ê-kíp đã sẵn sàng từ 5 giờ. Các y, bác sĩ thức trọn 24 giờ, đến sáng hôm sau mới hoàn thành ca ghép tạng. Không ngơi nghỉ dù chỉ một phút, họ lại tiếp tục túc trực suốt đêm như vậy vào ngày hôm sau.
"Nếu mệt quá, chúng tôi chia nhau tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt một lúc. Ghép gan không giống thận. Chúng tôi không được sử dụng máy hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi liên tục túc trực để đảm bảo ổn định cho người cho - nhận. Gần như không ai dám ngủ và đều bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn", GS.TS Đỗ Tất Cường nhớ lại.
Từ sau ca ghép gan thành công năm 2004, sức khỏe của Diệp dần ổn định song cô phải sử dụng thuốc chống thải ghép. Diệp tốt nghiệp Trung cấp Quân y và được chính nơi đã hồi sinh mình nhận vào làm việc. Hàng ngày, cô phụ trách bốc, cân và phân loại thuốc. Vì sức khỏe, Diệp được ưu tiên không phải trực đêm. Bệnh viện Quân y 103 trở thành ngôi nhà thứ hai. Cô gái nhỏ năm nào dần chững chạc trong chiếc áo blouse trắng.
Nguyễn Thị Diệp và bố sau ca ghép gan cách đây gần 17 năm. |
Hy vọng phép màu đến lần 2
Một năm trở lại đây, sức khỏe của Nguyễn Thị Diệp có chuyển biến xấu. Ban đầu, cơ thể Diệp mệt mỏi kèm đi ngoài nhiều nhưng cô không nghĩ bệnh trở nặng. Chỉ đến khi bụng chướng to, không ăn uống được, cô mới đi kiểm tra và kết quả chẩn đoán bị men gan tăng cao, xơ gan.
Cô phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103 vì xơ hóa toàn bộ gan. Diệp gầy rộc, chỉ nặng 38 kg. Ở trên giường bệnh, toàn thân cô gái nhuốm màu vàng, xanh xao, tay chi chít gạc và kim tiêm. Thời điểm đó, Diệp bộc bạch: “Sinh mạng mình phụ thuộc hoàn toàn vào đợt ghép tạng chưa có ngày cụ thể”.
Nữ bệnh nhân đã được điều trị nhưng dấu hiệu không thuyên giảm. Để đảm bảo sức khỏe, cô gái 25 tuổi phải truyền huyết tương, đạm 2 lọ/ngày và một chai Abumin cách ngày. Cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép của Diệp đã có những biến đổi về mạch máu, tổ chức nên chức năng tạng bước vào giai đoạn xấu. Các bác sĩ đã tính đến chuyện ghép gan, hy vọng một lần nữa hồi sinh bệnh nhân này.
Bà Phạm Thị Thoa, mẹ của Diệp, bỏ hết công việc để chăm sóc con. Để tiết kiệm tiền, bà ngủ ngoài hành lang. Bố của Diệp - ông Nguyễn Văn Phòng - từng đề nghị hai vợ chồng thuê nhà tại Hà Nội để cùng chăm con. Ở quê, họ còn một mẹ già 74 tuổi bị liệt.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp khi chờ ghép tạng lần hai. Ảnh: Báo Lao động. |
Cuộc sống của cô gái lại một lần nữa gắn với chiếc giường bệnh và hàng chục vết kim tiêm, truyền thuốc. Bà Thoa kể gần đây con gái thường xuyên lên cơn động kinh. Người mẹ không dám rời con nửa bước. “Ước nguyện lớn nhất của tôi là có thể hiến gan cứu con thêm lần nữa”, bà Thoa nói, đôi mắt đỏ hoe, nước mắt chực chờ rơi.
Năm 2004, lá gan hồi sinh Diệp là do cha hiến tặng. Tuy nhiên, theo lời Diệp kể, sau đó sức khỏe của ông, nay đã bước sang tuổi 48, yếu đi nhiều. Bà Thoa trở thành trụ cột chính trong gia đình. “Nếu mẹ hiến gan nữa, cả nhà chẳng còn nổi một người khỏe mạnh”, Diệp rơi nước mắt.
Theo Phó giáo sư Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, Nguyễn Thị Diệp là trường hợp ghép gan có thể sống lâu nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. "Bệnh nhân đã sống với lá gan ghép trong 17 năm. Song, gan ghép cũng có tuổi thọ, tình trạng của Diệp cũng là điều tất yếu", ông nói.
Ghép gan là thủ thuật phức tạp. Tại Việt Nam, chỉ một số cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) từng thực hiện. Bác sĩ sẽ phải cắt bỏ lá gan bệnh, thay toàn bộ hoặc một phần từ tạng mới từ người hiến chết não hoặc tình nguyện viên còn sống.
Trong lần tái ghép, bệnh nhân sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp, nguy hiểm hơn so với ca phẫu thuật đầu tiên. Diệp mắc thêm bệnh động kinh, hệ miễn dịch suy giảm, thách thức với các bác sĩ là quản lý bệnh nhân và phòng tránh các biến chứng. "Tôi hy vọng có đủ tài chính và nguồn gan ghép để tái sinh cho Diệp lần hai", Phó giáo sư Mạnh nói thêm.
Ngoài thách thức chưa tìm được nguồn ghép gan phù hợp, Diệp và gia đình còn phải đối mặt gánh nặng chi phí cho phẫu thuật. Mỗi ngày, cô gái luôn nung nấu niềm mong mỏi và khao khát sống mãnh liệt.
Theo chia sẻ từ người nhà bệnh nhân, cách đây khoảng một tuần, Diệp được các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 chỉ định về nhà nghỉ ngơi để cơ sở y tế này chuẩn bị trang thiết bị máy móc cho đợt điều trị tiếp theo. Mong ước của Diệp đã không thành hiện thực.
Ước mơ của cô vẫn dang dở nhưng hành trình mà Diệp, gia đình và các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật lịch sử năm nào là dấu mốc quan trọng của nền y học Việt Nam và khiến nhiều người xúc động.