Quan chức cấp cao Trung Quốc thừa nhận việc phát triển chip 'có vấn đề'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:30, 29/11/2020
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hôm qua, 28.11, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Vương Chí Quân đã bày tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa công suất trong các ngành như thép, xi măng, nhôm điện phân và công nghiệp bán dẫn.
“Tham gia vào các khoản đầu tư có vấn đề đó, số lượng nhà sản xuất chip Trung Quốc tăng mạnh trong năm qua kéo theo hàng loạt khoản đầu tư thiển cận, thậm chí tệ hơn là các dự án bị bỏ rơi”, ông Quân phát biểu. Vị quan chức này nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ trong ngành, thúc đẩy sáp nhập hoặc tái cơ cấu để cải thiện năng lực cạnh tranh.
Theo số liệu công khai thì năm nay có đến hơn 50.000 công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động là công ty bán dẫn – gấp 4 lần con số 5 năm trước đó cộng lại. Nhiều đơn vị mới thuộc sở hữu doanh nghiệp trái ngành (kinh doanh bất động sản, sản xuất xi măng, cung cấp thực phẩm). Chính sách trợ cấp và miễn thuế được cho là nguyên nhân gây ra chuyện bất thường như vậy.
Hứng chịu nhiều hạn chế từ Mỹ, Trung Quốc buộc phải đẩy nhanh nỗ lực tự chủ về công nghệ - đặc biệt là công nghệ sản xuất chip (bộ phận quan trọng trong các thiết bị điện tử tân tiến hiện nay). Tuy nhiên giới chuyên gia đánh giá đây chẳng phải việc dễ dàng.
Theo chương trình “Made in China 2025” thì 40% số chip Trung Quốc cần sẽ được sản xuất trong nước vào năm 2020, sau đó đến năm 2025 tăng lên 70%. Nhưng công ty phân tích thị trường IC Insights xác định trong năm ngoái, chưa tới 16% số chip Trung Quốc cần là hàng nội địa.