Vì sao tôi ủng hộ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể?
Góc bình luận - Ngày đăng : 07:23, 11/03/2019
Tôi chưa gặp mặt trực tiếp, chỉ thấy ông trên báo và TV. Thú thật, tôi rất ghét việc các BOT chặn đường khắp nẻo, như đồn bót thời chiến tranh. Tôi cũng giận ngành của ông cứ hăm he cấm xe máy mà không nhắc gì tới xe hơi. Thiên hạ chỉ hạn chế xe cá nhân, nhất là ô tô riêng và ưu tiên phát triển xe, tàu công cộng.
Nhưng tôi ủng hộ ông chuyện mất bằng lái phải thi lại. Thậm chí không mất bằng thì cứ mấy năm phải thi lại để kiểm tra tay nghề, cập nhật hóa kiến thức, các chính sách luật lệ mới, củng cố lập trường… Đảm bảo nếu thực hiện nghiêm túc việc này, chắc chắn tai nạn giao thông sẽ giảm ngay. Trước hết là cánh tài xế sẽ lái xe cẩn thận hơn vì thường xuyên được kiểm tra tay nghề. Sau nữa là mật độ xe ô tô sẽ giảm, tai nạn giao thông cũng bớt vì tài xế bận đi học. Tai nạn giao thông giảm thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị và giải quyết hậu quả xã hội.
Ngành du lịch đã làm việc này cả chục năm hơn mà có nghe ai phản đối gì đâu. Hay là biết chắc có phản đối cũng không thể đổi phán (thay đổi những điều đã được phán)? Trước đây, hướng dẫn viên du lịch, cứ 3 năm phải đóng tiền để học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ mới được đổi thẻ mới. Ngày nay tiến bộ hơn, được tăng thêm 2 năm, nghĩa là 5 năm mới phải đổi thẻ, dù không bị mất. Còn bị mất thẻ, đương nhiên là phải thi lại mới có thẻ mới hành nghề. Hướng dẫn viên nói sai cũng chẳng chết ai, có thể đính chính hoặc sửa lại mà còn vậy, huống nữa là lái xe, vì tài xế sai đâu là chết đó.
Việc thi lại bằng lái khi bị mất hay được mất cũng vậy, còn là dịp kiểm tra chất lượng bằng thật hay giả. Thật bao nhiêu phần trăm, giả bao nhiêu phần mười. Vàng ngay không sợ lửa. Được học, được thi sao lại phản đối. Đi học là hạnh phúc cơ mà. Lenin chẳng từng nói “Học, học nữa, học mãi”. Đã học thì phải thi mới biết kết quả nên “Thi, thi hoài, thi mãi” là lẽ đương nhiên.
Việc tổ chức học như ngành du lịch hoặc thi lại như đề nghị của Bộ trưởng Thể còn là dịp kích cầu tiêu dùng, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn người khắp cả nước. Các công đoàn lái xe tha hồ phát động những trào lưu thi đua học tập, ôn luyện nghiệp vụ. Thậm chí vừa lái xe vừa học ôn. Chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp cả nước sẽ giảm đáng kể. Một công mấy việc, có lợi nhiều bề, sao vội vàng phản đối.
Với lại, Bộ trưởng chỉ mới đề nghị, như một cách thăm dò, xem dư luận thế nào mới bàn cách thực hiện. Thay vì phải điều tra xã hội học tốn bao nhiêu tiền của, thì nghĩ sao nói vậy để tiết kiệm tiền. Tốn tiền cũng bị chửi, tiết kiệm cũng bị ném đá là sao?
Tôi hoan nghênh và nhiệt liệt ủng hộ Bộ trưởng Thể về việc này. Đề nghị Bộ trưởng thể hiện tinh thần tiên phong, không lùi bước trước dư luận để góp phần lập lại kỷ cương xã hội. Từ thực tiễn của ngành Du lịch và Giao thông vận tải, đề nghị các ngành, các hội đoàn học tập kinh nghiệm và nhân điển hình. Phải tạo nên một xã hội ưu việt về học tập và thi cử liên tục ngoài nhà trường.
Từ nay, tất cả bác sĩ, luật sư, kỹ sư, giáo sư và cả nhà sư cho đến đoàn viên, hội viên các hội đoàn định kỳ phải được học lại nghiệp vụ, chủ trương, đường lối cập nhật. Cái gì mà được chứng nhận, công nhận đều phải được đổi và cấp mới theo định kỳ. Kể các giấy chủ quyền xe, chủ quyền nhà, giấy kết hôn, ly hôn, di chúc, báo tử, các danh hiệu… Mất thì phải làm cái mới, nếu không thì bỏ luôn. Thay vì phải đóng phạt, cứ như có tội thì cho thi lại là rất nhân văn.
Mất giấy kết hôn thì được hay phải kết hôn lại mà không quy định với ai là thiên hạ phấn khởi. Xã hội Việt Nam lúc đó chẳng những không còn nạn thất nghiệp mà việc làm không hết phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài mới làm xuể.
Hoan hô cách làm của ngành Du lịch và của Bộ Giao thông Vận tải vì độc lạ, không đụng hàng.
Trần Kù