Đừng cổ suý cho văng tục chửi bậy
Văn hóa - Ngày đăng : 13:58, 24/11/2020
Tối ngày 20.11, người đẹp đến từ Thanh Hóa, Đỗ Thị Hà đã đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020. Do lường trước được áp lực lớn từ dư luận, tân hoa hậu đã khóa tài khoản Facebook ngay sau đó. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã kịp vào Facebook cá nhân của hoa hậu Đỗ Thị Hà và phát hiện ra những phát ngôn "phóng khoáng" của cô trên Facebook cá nhân.
Thay vì dùng những từ ngữ đúng lứa tuổi học sinh, Đỗ Thị Hà thường xuyên văng tục khi trò chuyện cùng bạn bè. Người đẹp này thích sử dụng những ngôn ngữ như "vãi c***", "vãi cả ***", "Hoa c** lợn", "v...l", "đ**"... để chia sẻ trạng thái hay phản hồi bình luận với bạn bè.
Ngay lập tức, nhiều ý kiến trái chiều về cách hành xử của người đẹp đã được đưa ra. Một số người tỏ thái độ không đồng tình về chuyện Tân Hoa hậu nói tục. Bên cạnh đó, nhiều khán giả cũng lên tiếng bênh vực cô khi cho rằng không thể dựa vào những câu bông đùa với bạn bè để đánh giá nhân cách một con người.
Trước những bình luận trái chiều, Đỗ Thị Hoà đã chia sẻ lý do về những phát ngôn gây tranh cãi của mình rằng đó chỉ là những câu bông đùa.
Từ câu chuyện của Đỗ Thị Hà, có thể nhận thấy hiện nay dư luận đang có hai chiều quan điểm. Một bộ phận không nhỏ cho rằng những phát ngôn thô tục của một cô gái trẻ như thế là khó chấp nhận, phản ánh lối sống thiếu chuẩn mực, nhất là giờ cô đã trở thành Tân Hoa hậu Việt Nam. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng đó là chuyện vặt vãnh, bình thường và lên tiếng bênh vực cô gái trẻ.
Vấn nạn văng tục, chửi bậy đang là một vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc trong ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ hiện nay. Những ngôn từ tục tĩu hiện hữu khắp mọi nơi từ công sở cho đến trường học với rất nhiều lý do. Rất đáng suy nghĩ là ngày càng nhiều người trẻ nói bậy, chửi thề. Thậm chí, họ văng tục như một phản ứng tự nhiên. Những phát ngôn tục tằn như đang trở thành trào lưu, lan nhanh trên mạng xã hội và nguy hiểm hơn người trẻ còn coi nó như một cách thể hiện cá tính.
Trong một môi trường lành mạnh, không có lý do gì để mỗi người lại muốn tự biến mình thành những kẻ thô lỗ, cục cằn. Môi trường sống có tác động rất lớn đến hành vi, tính cách của con người. Việc trở nên vô cảm với những hành vi thiếu văn hóa rất đáng phải suy nghĩ. Khi chúng ta cổ suý hay im lặng trước những thói hư, tật xấu thì vô tình tiếp tay, đồng loã cho những hành vi xấu. Và hơn nữa, nạn nói tục, chửi vậy sẽ lây lan, hủy hoại những nét đẹp trong truyền thống văn hóa ứng xử, cũng như sự trong sáng của tiếng Việt, thậm chí là đầu độc tâm hồn của thế hệ sau.
“Tuyên chiến” với tệ nạn nói tục, chửi bậy đã ăn sâu trong đời sống xã hội không phải là một điều dễ dàng. Thay đổi thói quen ngôn ngữ, cung cách ứng xử đã trở thành nếp sống không thể ngày một ngày hai. Chính vì vậy, biện pháp giáo dục là rất quan trọng. Mỗi bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy không chỉ chú trọng uốn nắn lời nói của con em mình mà quan trọng hơn, họ cũng phải thật sự là tấm gương về sự mẫu mực trong văn hoá ứng xử.
Lời hay ý đẹp sẽ giúp cho cuộc sống mỗi người có văn hóa hơn, sống văn minh hơn. Đừng nên cổ suý cho những lời lẽ thô tục, thiếu văn hoá vì như vậy chỉ đang thể hiện sự đi xuống của văn hóa mà thôi.
Các bạn trẻ không nên dễ dãi với những lời khiếm nhã, không chỉ ở ngoài đời mà cả trên facebook, youtube. Biết đâu về sau khi thành đạt thành người của công chúng, các bạn lại bị soi những dấu vết khiếm nhã do mình tạo ra.